Fri, 26/04/2019 | 09:20 AM

View with font size Read content Change contract

Hội nghị khoa học sinh viên về sở hữu trí tuệ năm 2019

Hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp tổ chức Hội nghị Khoa học sinh viên về sở hữu trí tuệ...

Đã thành thông lệ 9 năm nay, cứ mỗi dịp tháng 4, hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với trường Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn (KH&XHNV) – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội nghị Khoa học sinh viên về sở hữu trí tuệ (SHTT) với mong muốn là diễn đàn thường niên kết nối các nhà khoa học và các giảng viên, sinh viên quan tâm tới SHTT, để cùng hướng tới việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho các sinh viên – những chủ nhân tương lai về vai trò, tầm quan trọng và cách thức sử dụng hiệu quả công cụ SHTT để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh Hội nghị

Năm nay, Ban tổ chức Hội nghị đã nhận được hơn 30 báo cáo khoa học của sinh viên. Ngoài sinh viên đến từ các trường có truyền thống giảng dạy và nghiên cứu về sở hữu trí tuệ như Trường đại họcKH&XHNV, Trường đại học Luật Hà Nội, Trường đại học Ngoại thương, Trường đại học Kinh tế quốc dân thì còn có sự xuất hiện của đại diện đến từ Trường đại học Luật thuộc Đại học Huế và Học viện Phụ nữ Việt Nam. Điều này chứng tỏ hoạt động nghiên cứu về sở hữu trí tuệ đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy và thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo sinh viên.

Các báo cáo khoa học đề cập đến nhiều vấn đề của quyền SHTT đang được xã hội quan tâm như vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong việc bảo hộ quyền tác giả trên môi trường số, bảo hộ ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo hay kiểm soát hoạt động kinh doanh hàng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam, các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng. Cách tiếp cận của các nghiên cứu rất đa dạng, từ tiếp cận có tính lý thuyết đến việc ứng dụng vào thực tiễn (các nghiên cứu ứng dụng sáng chế không được bảo hộ tại Việt Nam để phục vụ hoạt động sản xuất của bà con nông dân hoặc liên hệ thực tiễn từ các vụ tranh chấp thực tế để soi chiếu vào các quy định pháp luật). Có thể thấy, các nghiên cứu của sinh viên không chỉ dừng lại ở các nghiên cứu lý thuyết mà tiếp cận đến việc giải quyết những yêu cầu của thực tiễn, hướng tới việc phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, của xã hội và gắn với hội nhập kinh tế quốc tế. Ban tổ chức đã lựa chọn ra được 9 đề tài nghiên cứu tiêu biểu để báo cáo tại Hội nghị tổ chức vào ngày 20/4/2019.

Đại diện các đơn vị đồng tổ chức, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng Trường đại học KH&XHVN và Ông Lê Tất Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn - Cục Sở hữu trí tuệ đều đánh giá cao ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu về sở hữu trí tuệ trong sinh viên, đặc biệt là với các trường đại học theo định hướng nghiên cứu và coi hoạt động này là cơ hội để khơi dậy năng lực sáng tạo trong sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đại học ngang tầm quốc tế, tăng cường sự hiểu biết của sinh viên về SHTT.

GS, TS Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng Trường đại học KH&XHVN trao giải cho nhóm sinh viên đạt Giải Nhất

Tổng kết Hội nghị, Ban giám khảo đã xem xét, đánh giá và trao 01 Giải Nhất, 02 Giải Nhì, 03 Giải Ba và 03 Giải Khuyến khích. Giải Nhất thuộc về đề tài “Hoàn thiện khung pháp lý về kiểm soát hoạt động kinh doanh hàng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử - kinh nghiệm của một quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam” của nhóm sinh viên đến từ Đại học Luật Hà Nội.

Ban Tổ chức chụp ảnh cùng các đại biểu và sinh viên đoạt giải

Điểm đặc biệt của năm nay là hội nghị khoa học sinh viên về SHTT đã nhận được sự động viên và đồng hành của các doanh nghiệp. Hai nhà tài trợ đến từ Văn phòng Luật Advacas và Công ty Luật TNHH Link & Partners. Giải thưởng của các nhà tài trợ đã được trao cho Giải Nhất (nhóm sinh viên của Đại học Luật Hà Nội)  và Giải Ứng dụng cho 02 nhóm sinh viên nghiên cứu ứng dụng sáng chế không được bảo hộ tại Việt Nam (sinh viên trường Đại học Luật – Đại học Huế và trường Đại học KH&XNNV).

Các đại biểu, thầy cô giáo và sinh viên tham dự Hội nghị đều cùng chung nhận định sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực cho sinh viên nói riêng và việc phát triển hệ thống SHTT nói chung. Các đại biểu bày tỏ mong muốn có nhiều hoạt động tương tự được tổ chức nhằm khuyến khích và thu hút sinh viên – những chủ nhân tương lai của đất nước tích cực tìm hiểu, nghiên cứu về sở hữu trí tuệ./.

Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn