Thu, 27/01/2022 | 08:10 AM
Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt báo chí đầu năm 2022
Sáng ngày 24-1-2022, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí đầu năm 2022.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng, Bí thư Đảng ủy Cục chủ trì cuộc gặp mặt. Tham dự buổi gặp mặt có các nhà báo theo dõi lĩnh vực khoa học và công nghệ đến từ các cơ quan báo chí, thông tấn và đại diện một số đơn vị trong Cục.
Tại buổi gặp mặt, Cục trưởng Đinh Hữu Phí nhấn mạnh một số kết quả nổi bật trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể Lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động, Cục SHTT đã thực hiện được một khối lượng công việc lớn, cơ bản hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra. Điển hình là: Công tác xử lý đơn xác lập quyền, Công tác xây dựng Luật sửa đổi Luật SHTT được thực hiện đúng tiến độ đề ra, việc triển khai Chiến lược SHTT quốc gia và Chương trình phát triển phát triển tài sản trí tuệ giúp nâng cao vai trò, vị thế của khoa học và công nghệ ở các Bộ, ngành và địa phương.
Trong đó, công tác xác lập quyền có nhiều chuyển biến, lượng đơn đăng ký sáng chế và kiểu dáng công nghiệp nộp vào Cục năm 2021 đạt mức tăng khoảng 10% so với năm 2020; kết quả xử lý đơn sở hữu công nghiệp (SHCN) năm 2021 đã tiệm cận với lượng đơn nộp vào. Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về SHTT được duy trì, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của đất nước, của Bộ KH&CN nói chung và của Cục nói riêng.
Trong năm 2021, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đã cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang, và thanh long Bình Thuận. Các sự kiện này ghi dấu ấn đậm nét trong quá trình hợp tác song phương chặt chẽ giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực SHTT. Trong đó Cục SHTT đóng vai trò là đầu mối phía Việt Nam để thúc đẩy công tác bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản tại Nhật Bản. Đây hai sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, với việc được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều và thanh long xuất khẩu sang Nhật Bản và mở rộng tiêu thụ vào các thị trường khác có quy định nhập khẩu khắt khe tương tự. Sự kiện này cũng đã được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2021.
Cục trưởng Đinh Hữu Phát phát biểu tại buổi gặp - ảnh Mai Hà
Tại buổi gặp mặt, các nhà báo đã đề cập đến nhu cầu, mong muốn của báo chí trong thời gian tới: Cục SHTT tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp thông tin tới báo chí để phổ biến, tuyên truyền thông tin về SHTT đến người dân và doanh nghiệp. Từ câu chuyện quả thanh long Bình Thuận, vải thiều Bắc Giang và thời gian tới là Luật sửa đổi Luật SHTT cho thấy vai trò rất quan trọng của SHTT trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Nhà báo Hà Hồng (trái) Chủ nhiệm CLB nhà báo KHCN trao Giấy chứng nhận Sự kiện KHCN-2021 cho Cục trưởng Đinh Hữu Phí (phải)- ảnh NghiaBui
Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho rằng để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của công chức, viên chức và người lao động của Cục SHTT thì công tác phối hợp truyền thông giữa Cục Sở hữu trí tuệ và các cơ quan báo chí là vô cùng quan trọng. Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, Cục trưởng Đinh Hữu Phí gửi lời cảm ơn và lời chúc các nhà báo trong buổi gặp mặt cũng như các nhà báo đã quan tâm và viết bài về lĩnh vực SHTT sức khỏe, hạnh phúc và nhiều thành công trong công việc.
Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp
Latest news title
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Other news
- Công tác pháp chế chính sách về sở hữu trí tuệ năm 2021
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2021
- Hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ năm 2021
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Phetchabun” cho sản phẩm quả me ngọt
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Chư Sê” cho sản phẩm hạt tiêu