Mon, 08/06/2020 | 16:49 PM
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Cái Mơn” cho sản phẩm sầu riêng
Ngày 11 tháng 5 năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 1571/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00080 cho sầu riêng Cái Mơn. Sở Khoa học và công nghệ Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Cái Mơn là địa danh thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Chữ “Cái” trong “Cái Mơn” có nghĩa là con rạch lớn, chữ “Mơn” được đọc trại từ chữ “Khmu” tiếng Khmer có nghĩa là mật ong. Theo nhà văn Sơn Nam, xưa kia hai bên bờ sông rạch của vùng đất Cái Mơn có rất nhiều ong làm tổ bởi đây là vùng đất của cây trái. Năm 2005, địa danh Cái Mơn được tổ chức Kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là “Nơi cung cấp giống cây ăn quả do người dân tự lai tạo lớn nhất Việt Nam”. Trong các loại cây ăn quả ở khu vực này, sầu riêng là một trong những sản phẩm đặc trưng với chất lượng và danh tiếng gắn liền với địa danh “Cái Mơn” suốt gần một thế kỷ, được ghi nhận trong cuộc sống và ca dao, tục ngữ: “Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn; Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày”.
Sản phẩm sầu riêng Cái Mơn bao gồm hai giống: giống Monthong và giống Ri6.
Sầu riêng giống Monthong có quả hình trụ, đỉnh nhọn, chia ngăn rõ, vỏ có màu vàng nâu khi chín. Cơm (thịt quả) có màu vàng nhạt, xơ trung bình, ráo, cơm rất dày, vị ngọt thanh, béo, mùi thơm nhẹ. Hạt lép, tỷ lệ hạt thấp. Trọng lượng quả: ≥ 3 kg. Tỷ lệ vỏ (tính theo trọng lượng): ≤ 64 %. Tỷ lệ cơm (tính theo trọng lượng): ≥ 29,6 %. Tỷ lệ hạt (tính theo trọng lượng): ≤ 6,4 %. Độ dày cơm: ≥ 14 mm. Về thành phần dinh dưỡng và khoáng chất, sầu riêng Cái Mơn có chất lượng vượt trội: năng lượng: ≥ 123 kcal; Brix: ≥ 19 0B; chất béo: ≥ 2,8 %; Protein: ≥ 3 %; Ẩm độ: ≤ 71 %; Vitamin C: ≥ 35 mg/100g. Thành phần khoáng chất: Ca: ≥ 35 mg/kg; K: ≥ 3668 mg/kg; Na: ≥ 25,4 mg/kg; Fe: ≥ 2,2 mg/kg; Zn: ≥ 2,1 mg/kg.
Sầu riêng Monthong
Sầu riêng giống Ri6 quả có hình elip, vỏ màu xanh, hơi vàng khi chín, gai cao, thưa, chân gai có hình 5 cạnh và bóng láng. Cơm (Thịt quả) có màu vàng đậm, không xơ, ráo và cầm không dính tay, cơm dày, vị ngọt, béo, có mùi thơm đậm. Hạt lép, tỷ lệ hạt thấp. Trọng lượng quả: ≥ 2 kg. Tỷ lệ vỏ (tính theo trọng lượng): ≤ 68 %. Tỷ lệ cơm (tính theo trọng lượng): ≥ 24 %. Tỷ lệ hạt (tính theo trọng lượng): ≤ 8 %. Độ dày cơm: ≥ 14 mm. Thành phần dinh dưỡng: năng lượng: ≥ 103 kcal; Brix: ≥ 20 0B; chất béo: ≥ 2 %; Protein: ≥ 2,4 %; ẩm độ: ≤ 76,7 %; Vitamin C: ≥ 23,7 mg/100g. Thành phần khoáng chất: Ca: ≥ 30 mg/kg; K: ≥ 3966 mg/kg; Na: ≥ 15 mg/kg; Fe: ≥ 1 mg/kg; Zn: ≥ 3,7 mg/kg.
Sầu riêng Ri6
Khu vực địa lý có các điều kiện đặc biệt về mặt địa hình, đất đai, thổ nhưỡng, thủy văn, khí hậu là các yếu tố tạo nên chất lượng đặc thù của sầu riêng Cái Mơn.Về địa hình, khu vực địa lý có địa hình cao, bao gồm các dải đất cao ven các sông lớn và các giồng cát ven biển. Về thổ nhưỡng: Sa cấu đất thuộc nhóm thịt pha limon và sét, có khả năng thoát nước tốt; hàm lượng hữu cơ, đạm tổng số, calci và kali trao đổi trong đất cao. Nguồn nước tưới dồi dào từ các sông lớn như Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên giúp cho chất lượng cơm của trái sầu riêng Cái Mơn không bị sượng khi chín như các vùng thiếu nước. Ngoài ra nguồn nước tưới giàu dinh dưỡng, không nhiễm mặn, có độ pH hơi kiềm nhẹ, hàm lượng Kali, Calci và Magie cao giúp cho sản phẩm có hương vị thơm ngon đặc biệt. Khí hậu của khu vực địa lý đặc biệt thích hợp cho cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển với nhiệt độ trung bình khoảng 27 0C, ít biến động; lượng mưa trung bình năm thấp (từ 1200 – 1600 mm), tập trung vào các tháng 7, 8, 9 là thời điểm cây sầu riêng đã kết thúc thu hoạch giúp cho chất lượng cơm của quả sầu riêng Cái Mơn không bị nhão; biên độ nhiệt ngày đêm lớn; độ ẩm thấp nhất thường xảy ra vào tháng 12 đến tháng 1.
Ngoài ra các bí quyết canh tác truyền thống của người dân nơi đây như nhân giống vô tính, thiết kế vườn trồng theo hình thức xẻ mương, lên liếp, xây dựng đê bao quanh vườn, chủ động dự phong nguồn nước tưới bằng các giếng khoan cũng chính là yếu tố giúp tạo nên chất lượng có một không hai của sầu riêng Cái Mơn.
Khu vực địa lý bao gồm xã Hòa Nghĩa, xã Hưng Khánh Trung B, xã Long Thới, xã Phú Phụng, xã Phú Sơn, xã Sơn Định, xã Tân Thiềng, xã Vĩnh Bình, xã Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thành và thị trấn Chợ Lách thuộc huyện Chợ Lách; xã Tân Phú, xã Tiên Long, xã Tiên Thủy và xã Phú Đức thuộc huyện Châu Thành; xã Nhuận Phú Tân, xã Hưng Khánh Trung A, xã Phú Mỹ, xã Phước Mỹ Trung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre./.
Trung tâm Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế
Latest news title
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025