Thu, 22/03/2018 | 18:06 PM
Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Bình Phước” cho sản phẩm hạt điều
Ngày 13 tháng 3 năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00066 cho sản phẩm hạt điều Bình Phước nổi tiếng...
Ngày 13 tháng 3 năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 673/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00066 cho sản phẩm hạt điều Bình Phước nổi tiếng. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Cây điều có nguồn gốc từ Braxin, du nhập vào miền Nam Việt Nam vào thế kỷ thứ 18, nhưng đến năm 1975, cây điều mới chính thức có tên trong danh mục cây trồng ở Bình Phước. Từ năm 1975, cây điều bắt đầu được trồng nhiều và trở thành cây “Xóa đói giảm nghèo” và làm giàu cho người nông dân, đặc biệt là người đồng bào Stiêng, Khmer ở khu vực miền núi của tỉnh Bình Phước. Đến nay, “Bình Phước” được mệnh danh là “thủ phủ điều” của Việt Nam. Sản phẩm đã được xuất khẩu đến 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước gồm có hạt điều nguyên liệu, hạt điều nhân, hạt điều rang muối.
Hạt điều nguyên liệu Bình Phước chắc, mẩy, cuống hạt phình to, bề mặt vỏ cứng sáng, mịn, bóng, lắc hạt ít kêu hoặc không kêu, thân hạt điều nguyên liệu dày, kích thước bề dày từ 14,5mm - 18mm, tỷ lệ nhân thành phẩm thu hồi không nhỏ hơn 30% tính theo khối lượng, số lượng không lớn hơn 200 hạt/kg, khối lượng hạt từ 5 g/hạt - 6 g/hạt.
Hạt điều nhân là phần thu được của hạt điều nguyên liệu sau khi gia nhiệt, tách vỏ cứng, sấy khô, bóc vỏ lụa và phân loại. Hạt điều nhân Bình Phước đồng màu, màu trắng, vàng nhạt hoặc ngà nhạt, nhân điều có dáng thẳng, phình ra 2 bên, bề dày từ 10,6 mm - 13,1 mm, bề mặt nhân nhẵn, mịn, bóng.
Hạt điều nhân Bình Phước có mùi thơm tự nhiên của hạt điều, không có mùi lạ, tỷ lệ số hạt đúng tiêu chuẩn không nhỏ hơn 95% về số lượng ở mỗi mức phân loại sản phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam về nhân hạt điều theo TCVN 4850, hàm lượng chất béo trong hạt điều nhân Bình Phước lớn hơn 40%về khối lượng và hàm lượng chất béo không bão hòa đơn lớn hơn 23%.
Hạt điều rang muối là phần nhân của hạt điều nguyên liệu có vỏ lụa hoặc không có vỏ lụa, được xử lý nhiệt bằng phương pháp rang và sử dụng muối làm chất phụ gia. Sản phẩm hạt điều rang muối có hai loại: có vỏ lụa hoặc không có vỏ lụa. Hạt điều rang muối Bình Phước có đặc điểm khi tách đôi nhân hạt điều thấy khe hở giữa nhỏ, không có muối đọng. Hàm lượng chất béo không nhỏ hơn 43%, hàm lượng carbohydrat lớn hơn 23%. Hàm lượng chất béo và hàm lượng carbohydrat cao lý giải cho đặc điểm hạt điều rang muối Bình Phước có vị ngọt, thơm, béo ngậy.
Những tính chất, chất lượng đặc thù của hạt điều Bình Phước có được là do điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý phù hợp với sự phát triển của cây điều và kinh nghiệm đã được tích lũy qua quá trình canh tác, chế biến của người dân bản địa.
Khu vực địa lý nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới xích đạo gió mùa nên nền nhiệt cao quanh năm, là điều kiện thuận lợi cho cây điều phát triển tốt. Bên cạnh đó, đặc điểm độ ẩm không khí khác biệt giữa 2 mùa, mùa ẩm cao từ tháng 5 đến tháng 11, mùa ẩm thấp từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau đã tạo điều kiện cho cây điều phát triển và ra hoa, đậu trái. Lý do là tháng 12 là thời điểm cây điều bắt đầu phân hóa mầm hoa, độ ẩm không khí giảm xuống mức 60%-70%, nhiệt tăng kết hợp có nắng là điều kiện thuận lợi để cây điều phân hóa mầm hoa. Cây điều bắt đầu ra hoa từ tháng 1 và giai đoạn này thường kéo dài 85 ngày. Trong giai đoạn nở hoa,cây điều yêu cầu thời tiết phải thật khô ráo, không mưa trong khoảng thời gian hơn 2 tháng. Nếu mưa lớn hoặc kéo dài thì tỷ lệ đậu quả không cao, chất lượng hạt kém. Chế độ phân bố lượng mưa của tỉnh Bình Phước khác biệt so với tỉnh Đồng Nai. Trong khi Bình Phước có mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 thì mùa mưa ở tỉnh Đồng Nai đến sớm từ tháng 4, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Đây là lý do khiến điều Đồng Nai thường có nhiều sâu, tỷ lệ thu hồi thấp và độ mẩy hạt không bằng điều Bình Phước.
Hạt điều tại tỉnh Bình Phước đã có lịch sử phát triển lâu dài. Với kinh nghiệm hơn 1/2 thế kỷ, người dân bản địa đã có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc và thu hoạch hạt điều phù hợp với đặc tính cây trồng và điều kiện đất đai tại Bình Phước. Người dân Bình Phước chỉ nhân giống điều bằng phương pháp vô tính tại các cơ sở được cấp phép, đảm bảo tiêu chuẩn quy định về giống. Thời vụ trồng cây điều từ tháng 6 đến cuối tháng 7. Kinh nghiệm canh tác người trồng điều ở Bình Phước là chọn nhóm đất đỏ vàng, đất trồng nằm ở độ cao dưới 600m so với mặt nước biển, không bị úng hay nhiễm mặn. Hố trồng cây điều phải được chuẩn bị xong 1 tháng trước khi trồng.
Thời gian thu hoạch hạt điều Bình Phước từ tháng 2 đến tháng 6 và chậm nhất 03 ngày kể từ ngày quả rụng, người dân phải tiến hành thu hoạch.
Hạt điều Bình Phước được sơ chế bằng phương pháp hấp bão hòa. Phương pháp sơ chế này giúp giảm tỷ lệ hạt vỡ, giảm độc hại cho người lao động. Tại tỉnh Bình Phước, từ những hạt điều mới bóc vỏ cứng, còn nguyên vỏ lụa, bằng phương pháp rang củi truyền thống đã tạo ra hạt điều rang muối thơm ngon, giòn rụm.
Khu vực địa lý bao gồm: Xã Bù Gia Mập, xã Đăk Ơ, xã Đức Hạnh, xã Phú Văn, xã Đa Kia, xã Phước Minh, xã Bình Thắng và xã Phú Nghĩa thuộc huyện Bù Gia Mập; Xã Phú Riềng, xã Phú Trung, xã Bù Nho, xã Long Tân, xã Long Hà, xã Long Bình, xã Long Hưng, xã Bình Sơn, xã Bình Tân, xã Phước Tân thuộc huyện Phú Riềng; Xã Phước Tín, xã Long Giang, phường Long Thủy, phường Thác Mơ, phường Sơn Giang, phường Long Phước, phường Phước Bình thuộc thị xã Phước Long; Xã Đường 10, xã Đăk Nhau, xã Phú Sơn, xã Thọ Sơn, xã Bình Minh, xã Bom Bo, xã Minh Hưng, xã Đoàn Kết, xã Đồng Nai, xã Đức Liễu, xã Thống Nhất, xã Nghĩa Trung, xã Nghĩa Bình, xã Đăng Hà, xã Phước Sơn và thị trấn Đức Phong thuộc huyện Bù Đăng; Xã Tân Thành, xã Tân Tiến, xã Thanh Hòa, xã Thiện Hưng, xã Phước Thiện, xã Hưng Phước và thị trấn Thanh Bình thuộc huyện Bù Đốp; Xã Thuận Lợi, xã Đồng Tâm, xã Tân Phước, xã Tân Hưng, xã Tân Lợi, xã Tân Lập, xã Tân Hòa, xã Thuận Phú, xã Đồng Tiến, xã Tân Tiến và thị trấn Tân Phú thuộc huyện Đồng Phú; Xã Lộc Hòa, xã Lộc An, xã Lộc Tấn, xã Lộc Thạnh, xã Lộc Hiệp, xã Lộc Thiện, xã Lộc Thịnh, xã Lộc Thuận, xã Lộc Quang, xã Lộc Phú, xã Lộc Thành, xã Lộc Thái, xã Lộc Điền, xã Lộc Hưng, xã Lộc Khánh và thị trấn Lộc Ninh thuộc huyện Lộc Ninh; Xã Thanh An, xã An Khương, xã Tân Hưng, xã Tân Lợi thuộc huyện Hớn Quản; Xã Quang Minh và xã Minh Lập thuộc huyện Chơn Thành; Xã Thanh Lương và xã Thanh Phú thuộc thị xã Bình Long; Xã Tân Thành, Xã Tiến Hưng, xã Tiến Thành, phường Tân Phú, phường Tân Đồng, phường Tân Bình, phường Tân Xuân, phường Tân Thiện thuộc thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế
Latest news title
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Other news
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Bình Phước" cho sản phẩm hạt điều
- Công bố chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm Dừa uống nước xiêm xanh và Bưởi da xanh
- Lễ khai giảng Khóa đào tạo chuyên sâu về Pháp luật Sở hữu trí tuệ
- Kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ 26/4: Tiếp sức cho những thay đổi -Phụ nữ với hoạt động đổi mới sáng tạo
- Hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3