Thu, 09/12/2021 | 15:24 PM

View with font size Read content Change contract

Quy trình sản xuất giống cá dìa: Bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá đang suy giảm

Là loài cá đặc hữu và có giá trị kinh tế cao, cá dìa bông ở Huế lại đang đứng trước nguy cơ sụt giảm về số lượng trong những năm gần đây. Nghiên cứu về quy trình sản xuất giống cá dìa bán tự nhiên của PGS Nguyễn Quang Linh (Giám đốc Đại học Huế) và cộng sự phát triển được kỳ vọng sẽ chấm dứt thực trạng này, giúp người nông dân chủ động được nguồn giống cá trong tương lai.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (gồm phá Tam Giang, đầm Thủy Tú và đầm Cầu Hai) thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế được biết đến như một trong những đầm nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, với hệ sinh thái động thực vật phong phú. Nhờ có tính đa dạng cao về sinh cảnh, sự biến động theo mùa và thường xuyên của chế độ thủy lý, thủy hóa, nguồn dinh dưỡng tại chỗ và sông suối tải vào phong phú mà hệ sinh thái động vật đầm phá rất giàu về thành phần loài, đặc biệt là động vật thủy sinh. 

Ở vùng đầm phá này, “cá dìa Siganus guttatus  (Bloch, 1787) là loài cá có giá trị kinh tế cao. Dù những tỉnh thành khác cũng vẫn có loại cá này, nhưng cá dìa bông ở Huế được xem là loài đặc hữu nhờ những nét đặc trưng về tự nhiên của phá Tam Giang”, PGS.TS Nguyễn Quang Linh (Giám đốc Đại học Huế) lý giải. Cá dìa là loại di cư theo từng giai đoạn sinh trưởng: cá cái đẻ ở vùng nước lợ, khi cá còn nhỏ (gọi là cá bột, cá con) thì chúng sống chủ yếu ở vùng đầm phá cửa sông, đến khi trưởng thành, cá dìa bơi ra biển và tìm các ghềnh đá, bãi san hô, quanh bờ đá của hải đảo để sinh sống - tính đa dạng cao về sinh cảnh của vùng đầm phá Tam Giang hội tụ những yếu tố thuận lợi để cá dìa sinh sống. 

Nguồn ảnh: Nongnghiep.vn 

Với vị ngon đặc biệt và bổ dưỡng đến mức được ví là “cá thuốc bắc”, nhu cầu tiêu thụ về loài cá này không ngừng tăng lên, trong khi số con giống đang thiếu trầm trọng và dựa hoàn toàn vào tự nhiên - vốn chỉ xuất hiện một lần trong năm. “Hiện nay, một năm tỉnh Thừa Thiên Huế có thể tiêu thụ từ 30 đến 40 triệu con giống”, PGS Nguyễn Quang Linh đưa ra một con số mà theo ông là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ suy thoái và cạn kiệt nguồn lợi đang hiện hữu. Với mong muốn giúp đỡ những người nông dân có sinh kế phụ thuộc vào việc nuôi trồng và đánh bắt giống cá này có thể chủ động được nguồn giống quanh năm, PGS Linh từ lâu đã trăn trở về dự định “phát triển một cách thức sản xuất giống cá dìa góp phần bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá đang có nguy cơ suy giảm số lượng trong những năm gần đây”.

Trên thế giới hiện nay đã có nhiều phương pháp nhân giống tự nhiên quy mô lớn để nuôi nhân tạo cá dìa bố mẹ, đảm bảo tính chủ động cá giống ở bất cứ thời điểm nào trong năm thay vì phụ thuộc vào cá dìa giống từ tự nhiên chỉ xuất hiện theo mùa. Tuy nhiên, vì đây là giống cá dìa đặc hữu với hệ sinh thái tự nhiên đặc thù, ông buộc phải tính đến một quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện môi trường và khả năng của người nông dân, nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ sống của cá giống cao, tăng trưởng nhanh và cho năng suất sinh sản cao, cải thiện năng suất và lợi ích kinh tế, từ đó thúc đẩy sự phát triển nghề nuôi cá dìa trong các thủy vực nước lợ, mặn. 

Học hỏi từ tự nhiên

Để tiến hành nghiên cứu này, PGS Nguyễn Quang Linh đã cùng các cộng sự tại Viện Công nghệ sinh học (Đại học Huế) thử nghiệm mô hình sản xuất giống cá dìa tại trại sản xuất giống thủy sản nước mặn với quy mô lượng cá giống 550.000 con giống/đợt sản xuất. Cá dìa bố mẹ được nhóm nghiên cứu tuyển chọn từ đàn cá nuôi thương phẩm và cá được đánh bắt tự nhiên, trong đó những con cá được chọn phải khỏe mạnh, có màu sắc đẹp, không dị tật, bơi lội nhanh nhẹn, có trọng lượng lớn từ 400-600g/con, cá có độ tuổi từ 2 tuổi trở lên. Với những tiêu chí này, nhóm đã lựa được 30 con cá, với tỷ lệ cá đực:cá cái là 1:1. 

Đàn cá dìa bố mẹ sau tuyển chọn được bố trí nuôi vỗ trong một lồng lưới PE đặt tại khu vực đầm phá thuộc địa phận xã Phú Hải, nằm trong hệ đầm phá Tam Giang - cầu Hai có độ mặn trung bình 20‰, độ sâu từ 2-4m, độ trong 1,5m, ít sóng gió. Thời gian nuôi vỗ từ tháng 3 đến tháng 10, được cho ăn với khẩu phần ăn 50% mực tươi, 50% thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein hơn 40% và bổ sung từ 2-3kg rong mềm/lồng/ngày, mỗi ngày cho ăn 2 lần vào lúc 7 giờ sáng và 5 giờ chiều. 

Bên cạnh việc cho ăn, vệ sinh cũng là một yếu tố quan trọng. Hằng ngày nhóm sẽ tiến hành kiểm tra và vệ sinh lồng, loại bỏ thức ăn dư thừa, quét các vật bám quanh lồng. Các yếu tố môi trường như nhiệt độ nước, pH, hàm lượng oxy hòa tan, độ mặn, độ kiềm được kiểm tra 2 lần/tuần. Trong thời gian nuôi định kỳ 15 ngày/lần, nhóm cũng kiểm tra thêm khả năng phát dục của cá qua các chỉ tiêu nhất định. 

Khi cá đã đáp ứng được những chỉ tiêu để chọn tham gia sinh sản, các nhà khoa học sẽ đưa cá đực và cái với tỷ lệ bằng nhau vào một bể bằng composit/xi măng với điều kiện tối ưu: độ mặn của nước là 28-30‰ - nước biển được lắng lọc qua bể cát, được sục khí liên tục, che phủ bởi lưới đen hoặc bạt để giảm thiểu ánh sáng chiếu vào bể. 

Sau khi đưa cá vào bể đẻ khoảng 1-2 giờ, nhóm tiến hành kích thích cá đẻ một cách tự nhiên bằng cách tiến hành thay 50% lượng nước, nếu sau một ngày mà cá chưa đẻ thì giảm độ mặn của nước. Sau khi trứng thụ tinh, tiếp tục dùng vợt vớt hết trứng trong bể, trứng sau khi vớt phải thả ngay vào thùng đựng trứng có sục khí chứa nước có độ mặn 30‰. Đây là bước để phân biệt trứng có đủ chất lượng hay không - trứng nổi trên bề mặt nước thì sẽ được chuyển sang bể ấp, trứng lắng đáy thì sẽ bị loại bỏ. Sau thời gian thụ tinh từ 19-20 giờ, trứng bắt đầu nở thành cá bột.

Lúc này, nhóm nghiên cứu phải thả cá bột vào các bể ương nuôi với các thông số về độ mặn, oxy hòa tan, nhiệt độ… phù hợp đã được chuẩn bị sẵn. Hằng ngày cho cá ăn loại thức ăn phù hợp với lượng cho ăn thay đổi theo thời gian. Cá dìa từ 14 đến 20 ngày tuổi được cho ăn bổ sung ấu trùng Artemia với mật độ 4 - 6 ấu trùng/ml nước. Sau thời gian 20 ngày, cá dìa có chiều dài đạt 1-1,2cm (cá hương), chuyển thành giai đoạn ương nuôi từ cá hương lên cá giống. Cá dìa hương được định lượng và chuyển sang ương nuôi trong ao lót bạt hoặc ao đất trong 30 ngày, với các tiêu chuẩn khác nhau. Sau 10 ngày trở lên, cá dìa được chọn lọc, phân đàn thành nhiều kích cỡ để bố trí ương riêng. 

Sau 10-20 ngày kế tiếp, số lượng cá dìa giống thu được 550.000 con có kích cỡ chiều dài 2-3cm, phù hợp cung cấp cho việc nuôi thương phẩm. Trong đó, tỷ lệ sống từ giai đoạn cá bột lên cá hương đạt 3,7%, tỷ lệ sống từ giai đoạn cá hương lên cá giống đạt 80%. 

Tiềm năng tương lai

Ưu điểm lớn của quy trình sản xuất giống cá dìa như trên đó là nó có chi phí thấp, dễ dàng áp dụng ở quy mô các trại sản xuất giống thủy sản nước mặn từ quy mô nhỏ đến vừa như ở Thừa Thiên Huế, với hiệu quả sản xuất giống cao. Cụ thể, “tỷ lệ đẻ của cá dìa bố mẹ đạt 100%, sức sinh sản tương đối thực tế đạt 1,25 triệu trứng/kg cá cái, tỉ lệ thụ tinh đạt 95%, tỷ lệ nở đạt 90%, tỷ lệ cá dị hình 6%; đáng chú ý, tỷ lệ sống của cá trong giai đoạn sau rất khả quan. Cá dìa giống thu được có chiều dài 2-3cm, khỏe mạnh, sinh trưởng phát triển nhanh”, nhóm nghiên cứu cho biết. Nhờ đó, các trại sản xuất giống thủy sản nước lợ, mặn trong địa bàn tỉnh có thể chủ động sản xuất giống cá dìa có chất lượng tốt để cung cấp con giống cho các hộ dân nuôi thương phẩm loài cá này, giảm sự lệ thuộc vào con giống khai thác từ tự nhiên, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. 

Một yếu tố quan trọng để phát triển nuôi thương phẩm loài cá này ở quy mô lớn, đó là cá dìa giống theo quy trình này đã được thuần dưỡng để sử dụng tốt thức ăn công nghiệp, không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thức ăn tự nhiên. Với những ưu điểm này, quy trình sản xuất cá dìa theo phương pháp bán tự nhiên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002434 được công bố vào ngày 26/10/2020.

Dù đã đạt được một số bước tiến nhất định thông qua nghiên cứu này, nhưng PGS.TS Nguyễn Quang Linh bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về cá dìa trong tương lai. “Giá trị của con cá dìa không chỉ dừng lại ở đây. Loài cá này không ăn động vật mà chỉ ăn thực vật như rong tảo, mùn bã hữu cơ - đó là một yếu tố quan trọng. Những loài động vật mà không ăn động vật như vậy thì sẽ không gây suy giảm đa dạng sinh học mà còn làm sạch môi trường”, ông chia sẻ, “điểm này phù hợp với hướng bảo tồn kết hợp nuôi trồng, khai thác mà tỉnh Thừa Thiên Huế đang muốn phát triển tại hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trong thời gian tới.” 

Anh Thư
(Bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học và Phát triển)