Wed, 12/08/2020 | 15:09 PM

View with font size Read content Change contract

Chế phẩm giúp tăng khả năng điều trị bệnh dạ dày

Viên nổi trong dạ dày Clarithromycin 500 mg có vai trò quan trọng trong phác đồ điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày nhưng lại chưa có đơn vị nào của Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. Vì vậy, sản phẩm của Ths Cao Thị Thu Thảo và các cộng sự tại Trung tâm Khoa học công nghệ Dược Sài Gòn (Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh) đã giúp người bệnh giảm 50% chi phí điều trị bệnh dạ dày so với dùng thuốc nhập ngoại và giúp ngành y tế chủ động hơn về nguồn thuốc chữa bệnh.

Ước tính của Hiệp hội Tiêu hóa Việt Nam chỉ ra, có khoảng 70% dân số Việt Nam có nguy cơ bị đau dạ dày. Theo số liệu của WHO 2018, ung thư dạ dày tại Việt Nam đang xếp thứ 3 (chiếm 10%), sau ung thư gan, ung thư phổi với trên 17.500 ca mắc mới, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong (chiếm 86%). 

Ths Cao Thị Thu Thảo cho biết, một trong những nguyên nhân gây ra căn bệnh này là do sự xuất hiện của vi khuẩn HP trong niêm mạc dạ dày. Vì thế, các phác đồ điều trị đều hướng tới tiêu diệt vi khuẩn HP, làm giảm lượng axit trong dạ dày và giảm tỷ lệ tái phát loét do vi khuẩn HP. Tuy nhiên cái khó nằm ở chỗ, vi khuẩn này nằm sâu trong lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Trong khi đó, kháng sinh Clarithromycin dù nhạy cảm trong thử nghiệm lâm sàng nhưng khi được bào chế lại không hiệu quả trong việc tiếp cận và tiêu diệt vi khuẩn HP. Vì vậy, bệnh nhân thường bị tái loét dạ dày nhiều lần. 

Ths Cao Thị Thu Thảo cho hay: “Khi Clarithromycin được đưa vào dạ dày thì thời gian lưu giữ thuốc tại dạ dày rất ngắn, chỉ khoảng 5 phút là trôi xuống ruột non. Điều đó khiến nồng độ trị liệu của thuốc không tới được lớp màng nhầy để diệt trừ vi khuẩn, chỉ đạt hiệu quả khoảng 55%, làm bệnh nhân không trị bệnh dứt điểm, dễ bị tái phát. Để tiêu diệt vi khuẩn HP, người bệnh thường phải dùng liều cao và nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng Clarithromycin quá nhiều sẽ gây ra các tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng gan thận…”. 

Trên thế giới, một sản phẩm có tên Klacid Forte với thành phần chứa Clarithromycin được giới thiệu là sản phẩm chuyên biệt để diệt trừ HP, được bào chế ở dạng viên nén bao phim. Sau khi được đưa vào dạ dày khoảng 30 phút, viên sẽ phóng thích hoạt chất từ 80% trở lên nhằm tăng nồng độ trị liệu tại nơi hấp thu. Điều này cũng cho thấy, thuốc chỉ được lưu giữ một thời gian ngắn trong dạ dày, chưa phù hợp với đặc tính của vi khuẩn HP là nằm sâu trong lớp nhầy niêm mạc dạ dày hoặc các bệnh lý cần thuốc lưu giữ lâu tại dạ dày. 

Hình ảnh vi khuẩn HP - một trong những nguyên nhân gây ra bệnh đau dạ dày. 

Vì vậy, bài toán đặt ra cho các nhà nghiên cứu là nghiên cứu một chế phẩm thuốc có đặc tính nổi trong dạ dày chứa Clarithromycin có hàm lượng điều trị hiệu quả đồng thời kiểm soát, tăng thời gian lưu chế phẩm trong dạ dày, nâng cao hiệu quả điều trị. Thực tế chế phẩm như vậy đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu và sử dụng nhưng tại thị trường Việt Nam chưa có dạng thuốc nổi trong dạ dày chứa Clarithromycin 500 mg.

Để giải quyết vấn đề này, Ths Cao Thị Thu Thảo và nhóm nghiên cứu đã đề xuất phương pháp bào chế thuốc dùng để uống nổi trong dạ dày chứa Clarithromycin có hàm lượng 250mg-500mg và các tá dược bao gồm: tá dược kiểm soát sự phóng thích hydroxypropyl metylxenluloza (HPMC 15cpc, K4M, K100M) lượng từ 5% đến 25% trên khối lượng viên, tá dược tạo khí như natri hydrocarbonat 5% đến 10%, axit xitric từ 3% đến 8% trên khối lượng viên và các tá dược khác. 

“Một trong những điểm quan trọng của chế phẩm là natri hydrocarbonat được đưa vào công thức bào chế là làm tá dược sủi duy nhất với trọng lượng từ 5-10% của khối lượng viên. Nếu được sử dụng chung với tá dược khác thì nằm trong khoảng từ 3-6% của khối lượng viên. Đây là hàm lượng thích hợp cho việc phóng thích hoạt chất của chế phẩm” – Ths Cao Thị Thu Thảo giải thích thêm. Nếu natri hydrocacbonat có hàm lượng thấp hơn 5% thì chế phẩm sẽ không đạt được đặc tính nổi trong dạ dày, nếu cao hơn 10% thì ảnh hưởng đến hàm lượng hoạt chất được phóng thích trong dạ dày, khiến hiệu quả của chế phẩm không đạt được như mong muốn. 

Sau khi được đưa vào dạ dày, hoạt chất có trong chế phẩm sẽ được phân tán đồng nhất trong polymer bằng sự trương nở. Các tá dược sủi bọt như carbonat, bicarbonate… tạo khả năng nổi cho hệ thống nhờ phản ứng sinh khí CO2. Khí CO2 bị giữ lại trong khung gel trương nở làm giảm tỷ trọng của thuốc xuống nhỏ hơn tỷ trọng của dịch dạ dày, làm chế phẩm thuốc nổi lên trên và tránh được ảnh hưởng của dịch dạ dày. 

Các thử nghiệm và đánh giá in-vitro (trong phòng thí nghiệm) cho thấy, khả năng nổi của viên Clarithromycin lên đến 12 giờ. Còn thử nghiệm in-vivo (trên cơ thể sống, cụ thể là trên chó) được đánh giá bằng phương pháp chụp X-Quang cho thấy, khả năng nổi của viên Clarithromycin lên tới 5 giờ. Những thử nghiệm trên chó cũng chứng minh rằng, các tá dược dùng trong chế phẩm này không gây ra bất kỳ tác động độc hại nào cho các động vật đã được nghiên cứu. 

Ths Cao Thị Thu Thảo cho biết thêm: “Lượng Clarithromycin hòa tan được kiểm soát ít nhất 3 thời điểm trong khoảng thời gian từ 30 phút đến 12 giờ sau khi bệnh nhân uống chế phẩm”. 

Tuy nhiên, do chưa từng có chế phẩm nổi chứa Clarithromycin 500mg giúp kéo dài thời gian lưu trong dạ dày tương tự trên thế giới, nên sản phẩm được phép đưa vào sản xuất sau nghiên cứu này.

Với hiệu quả thực tiễn như vậy, chế phẩm dùng để uống nổi trong dạ dày chứa Clarithromycin và phương pháp bào chế chế phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002308 công bố ngày 25/6/2020. Ngoài ra, nhận thấy tiềm năng của sản phẩm trong thực tế, Ths Cao Thị Thu Thảo và nhóm nghiên cứu đã chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất cho nhà máy liên doanh Meyer- Bristol. Thuốc dự kiến sẽ được đưa ra thị trường dưới dạng thực phẩm chức năng vào quý 2 năm 2021. Giá bán dự kiến là 180.000 đồng/viên.

“Việc chủ động sản xuất được viên clarithromycin nổi trong dạ dày cho phép các bác sỹ có thể chủ động hơn trong phác đồ điều trị bệnh lý này. Ngoài ra, mức giá này cũng rẻ hơn 50% so với thuốc ngoại nhập” – chị Thảo nói thêm. 

 

Bích Ngọc 

(Bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học và Phát triển)