Thu, 15/11/2012 | 11:43 AM

View with font size Read content Change contract

BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “BẢO LÂM” CHO SẢN PHẨM HỒNG KHÔNG HẠT

Ngày 14 tháng 11 năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 2838/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00032...

Ngày 14 tháng 11 năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 2838/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00032 cho sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm nổi tiếng. Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Hồng không hạt Bảo Lâm là tên gọi một giống hồng không hạt gắn liền với 3 xã Bảo Lâm, Thanh Lòa và Thạch Đạn thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Cách gọi hồng không hạt nói tới đặc điểm loại quả này là không có hạt do nhân của hạt bị thoái hóa, trong như thạch. Cây hồng không hạt Bảo Lâm là giống cây trồng bản địa. Theo lời kể của những vị Già Làng trong vùng, lịch sử của những cây hồng không hạt đã có trên 100 năm. Danh tiếng của hồng không hạt Bảo Lâm được lưu truyền cho đến ngày nay gắn với những tính chất đặc thù và hương vị thơm ngon của loại quả này.
 
Có thể nhận biết được hồng không hạt Bảo Lâm so với các loại hồng ở các địa phương khác với các đặc điểm đặc trưng như: quả thuôn dài, có từ 4- 6 rãnh dọc kéo dài từ cuống đến giữa quả. Quả không có hạt, tai quả nhỏ, có 4 tai. Vỏ quả dày, nhẵn nhưng kém bóng, có màu vàng đỏ hoặc màu đất có ánh xanh lục. Thịt quả màu đỏ vàng da cam đến vàng đậm, mịn và có rất ít đốm đen, có hạt cát đường. Hồng không hạt Bảo Lâm khi ăn có vị giòn, thơm, ngọt đậm, mặt cắt ngang của quả có hình hoa thị 8-12 cánh đều nhau, màu hơi đỏ tương phản với màu thịt quả. Trọng lượng quả từ 15-16 quả/kg.
 
 
 
Hồng không hạt Bảo Lâm có các chỉ tiêu chất lượng đặc thù như: độ Brix trung bình 18,64%, đường tổng số trung bình 14,60%, đường khử trung bình 13,43%, chất khô trung bình 24,53%, hàm lượng Tanin trung bình 0,74%, hàm lượng Caroten trung bình là 428,7mg/100mg, hàm lượng Axit tổng số trung bình là 0,14%, hàm lượng Vitamin C trung bình là 5,67 mg/100g.
Quả hồng không hạt Bảo Lâm có được các chất lượng đặc thù như trên là nhờ phát triển ở khu vực địa lý có các điều kiện rất phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây hồng. Khu vực địa lý bao gồm các xã Bảo Lâm, Thanh Lòa và Thạch Đạn thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn là nơi có nhiệt độ trung bình năm 21,2oC, tổng tích ôn 7.738ºC, nhiệt độ trong thời gian hồng ngủ Đông (tháng 12, tháng 1, tháng 2) là 13,3-14,8ºC, biên độ nhiệt độ ngày đêm vào thời kỳ quả chín (tháng 9) là 8 - 8,9oC. Lượng mưa trung bình năm là 1392mm. Độ ẩm không khí trung bình năm là 82%. Vào các tháng của giai đoạn quả chín khu vực địa lý có độ ẩm thấp (75 - 81%). Các đặc điểm về khí hậu nói trên là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của quả hồng không hạt Bảo Lâm.
Một yếu tố nữa cũng có tính chất quyết định đến chất lượng của quả hồng Bảo Lâm đó là tính chất của đất ở khu vực địa lý với hai loại đất chính là đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất và đất vàng đỏ trên macma axit với các chỉ tiêu chất lượng của đất như: độ chua tầng mặt trung bình từ 4,0-4,5, hàm lượng chất hữu cơ (OM%) tầng mặt trung bình 1,53%, hàm lượng đạm tổng số tầng mặt trung bình 0,12%, hàm lượng lân tổng số trung bình 0,13%, hàm lượng lân dễ tiêu tầng mặt trung bình 5,35mg/100g đất, hàm lượng kali tổng số tầng mặt trung bình 1,11%, hàm lượng kali dễ tiêu tầng mặt trung bình 5,12mg/100g đất, khả năng trao đổi cation của đất tầng mặt trung bình 15,96meq/100g, đất có thành phần cơ giới thịt nhẹ đến thịt trung bình.
Ngoài ra, các bí quyết có từ hàng trăm năm của người dân địa phương ở khu vực địa lý trong việc canh tác cây hồng kết hợp với quy trình kỹ thuật hiện đại được áp dụng đã góp phần giúp cho chất lượng cũng như năng suất của quả hồng không hạt Bảo Lâm ngày càng ổn định, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong việc tiêu thụ loại quả đặc sản này đặc biệt là trong dịp Tết Trung Thu.
Phòng Chỉ dẫn địa lý