Mon, 15/11/2021 | 14:00 PM
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Đắk Nông” cho sản phẩm hạt tiêu
Ngày 09/11/2021, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 5157/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00111 cho sản phẩm hạt tiêu “Đắk Nông”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Đắk Nông là một trong những khu vực cho năng suất hồ tiêu cao nhất Việt Nam góp phần, đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới. Từ những năm 1980, hồ tiêu đã được phát triển trên tại Đắk Nông, tập trung chủ yếu ở các HTX và nông trường quốc doanh với diện tích khoảng 40 – 50 ha. Từ đó đến nay, diện tích hồ tiêu liên tục tăng mạnh, hiện đạt 33.591 ha, sản lượng 60.049 tấn. Nhờ phát triển trên nền đất bazan màu mỡ nên thành phần khoáng có trong hạt tiêu của Đắk Nông cao hơn so với các vùng trồng tiêu khác. Bên cạnh đó, Đắk Nông được cộng đồng hồ tiêu trong và ngoài nước đánh giá cao là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào sản xuất hồ tiêu sạch, an toàn.
Hạt tiêu đen Đắk Nông có màu đen hơi nâu, bề mặt nhăn. Hạt có đường kính 4 – 5 mm, dung trọng hạt 550 – 590 g/l. Hàm lượng Piperin của hạt tiêu đen Đắk Nông đạt 5,23 – 7,45 %, hàm lượng Fe là 54,42 – 605,44 µg/kg, hàm lượng Mn là 20,65 – 40,52 µg/kg.
Hạt tiêu trắng Đắk Nông có đường kính 3,5 – 4 mm, dung trọng hạt 622 – 640 g/l, hàm lượng Fe là 45,89 – 457,20 µg/kg, hàm lượng Mn là 9,45 – 78,45 µg/kg.
Hạt tiêu đỏ Đắk Nông có màu nâu đỏ, đường kính hạt 4 – 5 mm, dung trọng hạt 574 – 593 g/l, hàm lượng Fe là 198,40 – 367,80 µg/kg, hàm lượng Mn là 0,034 – 123,80 µg/kg.
Hạt tiêu đen, hạt tiêu trắng, hạt tiêu đỏ Đắk Nông
Chất lượng của hạt tiêu Đắk Nông có được là nhờ vào những điều kiện tự nhiên đặc thù cũng như phương pháp sản xuất của người nông dân trồng tiêu tại khu vực địa lý.
Khu vực địa lý có tổng lượng mưa trung bình năm ở mức cao, trong khoảng 1.777 – 2.719 mm/năm. Mùa mưa từ tháng 4 đến hết tháng 11, tập trung trên 90% lượng mưa cả năm. Thời gian mưa kéo dài từ 7 đến 8 tháng (dài hơn các vùng khác từ 2 - 3 tháng) là điều kiện lý tưởng để cây phát triển kích thước hạt. Thời điểm thu hoạch tiêu Đắk Nông từ tháng 1 đến tháng 4, tập trung cao điểm vào tháng 2, trùng với mùa khô tại khu vực địa lý. Đây là giai đoạn có nhiệt độ dao động từ 23 – 25oC, số giờ nắng cao, độ ẩm thấp, độ bốc hơi lớn. Điều kiện khí hậu này diễn ra trong quá trình thu hoạch, phơi, tạo nên màu sắc đặc thù của hạt tiêu đen và hạt tiêu đỏ Đắk Nông. Thời gian khô hạn liên tục từ tháng 12 đến tháng 3 giúp cho cây có đủ thời gian phân hóa mầm hoa sau thu hoạch, tạo điều kiện cây ra hoa đồng loạt sau khi gặp ẩm độ cao vào tháng 4. Điều này giúp tăng tỷ lệ thụ phấn, giảm khuyết hạt trên gié, giúp cây cho năng suất cao Tổng số giờ nắng cao (trung bình từ 2.000 – 2.300 giờ/năm) và tập trung chủ yếu ở giai đoạn tiêu chín và thu hoạch (tháng 02 – tháng 3) kết hợp ẩm độ thấp (độ ẩm thấp nhất 71% vào tháng 02) trong giai đoạn này làm cho hạt tiêu mang chỉ dẫn địa lý “Đắk Nông” sau thu hoạch nhanh chóng loại bỏ hàm lượng nước trong quả tiêu chín, giúp cho sản phẩm hạt tiêu sau phơi/sấy cho hàm lượng piperine cao.
Bên cạnh đó, khu vực địa lý có tầng đất hữu hiệu dày, cấu trúc tơi xốp, có khả năng thấm và giữ nước tốt, đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng. Hàm lượng chất hữu cơ tầng mặt dao động 1,94 - 3,95%; hàm lượng Nitơ tổng số ở tầng mặt dao động 0,12 – 0,19%; hàm lượng Phospho dao động trong khoảng từ 0,2 – 0,3%; dung tích hấp thụ cation (CEC) dao động trong khoảng 14,18 – 22,27 me/100g đất; hàm lượng calci và magie trao đổi dao động trong khoảng 0,25 – 0,28 me/100g đất. Nhờ đó, cây hồ tiêu ở Đắk Nông tiêu sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất cao, cũng như đem lại hàm lượng Fe và Mn vượt trội.
Hạt tiêu nguyên liệu được thu hoạch tại Đắk Nông
Không chỉ có điều kiện tự nhiên thuận lợi, kỹ thuật sản xuất tiêu của người dân địa phương cũng góp phần tạo nên chất lượng đặc thù của hạt tiêu Đắk Nông. Người dân Đắk Nông lựa chọn giống tiêu lá trung để sản xuất hồ tiêu do đã qua quá trình thích nghi lâu dài với điều kiện tự nhiên đã hình thành nên khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt, đồng thời giống cho năng suất ổn định và dễ chăm sóc. Tại Đắk Nông, trụ trồng hồ tiêu được sử dụng là dạng trụ cây sống. Trụ cây sống là những loại cây sinh trưởng nhanh, khỏe, thân cứng, vỏ tương đối nhám để hồ tiêu dễ bám (Keo dậu, muồng đen, lồng mức, vông, mít, núc nác, gòn). Cây có bộ rễ ăn sâu để không cạnh tranh dinh dưỡng với cây hồ tiêu. Điều này cũng có những khác biệt so với vùng trồng ở Kiên Giang (trụ gỗ); Vũng Tàu (trụ gạch và trụ bê tông); và Gia Lai (với các loại trụ hỗn hợp: trụ cây sống; trụ bê tông, trụ gỗ). Khoảng cách trồng được đặc biệt chú ý với khoảng cách cây cách cây và hàng cách hàng 3 x 3 m, mật độ 1.100 - 1.600 trụ/ha. Nhờ yếu tố này giúp cho việc chăm sóc dễ dàng, cây ít bệnh hại, ẩm độ môi trường vườn kiểm soát, đặc biệt nguồn dinh dưỡng từ đất ít khi cạnh tranh triệt để, nhờ đó cây luôn được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ góp phần cho chất lượng đặc trưng. Mật độ trồng tiêu tại Đắk Nông cũng tạo điều kiện cho việc trồng xen thêm các loại cây mang tính cộng hưởng, không cùng cây ký chủ gây bệnh cho hồ tiêu như cà phê, bơ và các loại cây họ đậu, giúp duy trì độ ẩm, độ che bóng cho cây hồ tiêu phát triển, nhất là trong mùa nắng nóng.
Thêm vào đó, các nông hộ trồng tiêu tại Đắk Nông đều sử dụng phân chuồng/hữu cơ, phân vi sinh một cách khá đồng bộ và bài bản là yếu tố chính tạo nên sự khác biệt về phương thức sử dụng phân bón trong quy trình trồng hồ tiêu nơi đây. Nhờ lượng phân hữu cơ được bón liên tục từ khi bắt đầu trồng cho đến các năm sau khi khai thác đã góp phần làm tăng độ phì của đất, tăng khả năng phát triển của rễ, đồng thời phân hữu cơ cũng góp phần duy trì ẩm độ của đất phù hợp từ đó tạo ra môi trường lý tưởng cho các loại nấm đối kháng phát triển (trichoderma) góp phần hạn chế các bệnh hại nguy hiểm. Đồng thời, phân hữu cơ cũng góp phần tạo ra chất lượng sản phẩm tốt, đồng đều, hạt chắc mẩy, giảm tỷ lệ hạt lép.
Tùy theo nhu cầu sản xuất sản phẩm tiêu đen, tiêu trắng hay đỏ, thời gian thu hoạch tiêu có thể kéo dài, sớm nhất từ tháng 01 và muộn nhất tháng 4 hàng năm. Vì Đắk Nông là vùng cuối cùng của Tây Nguyên và là cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ nên mùa khô cũng bắt đầu muộn hơn, do đó thời điểm thu hoạch tiêu tại Đắk Nông cũng muộn hơn các vùng trồng Gia Lai, Đắk Lắk từ 1 đến 2 tháng.
Khu vực địa lý: Gồm các xã, phường và thị trấn thuộc tỉnh Đắk Nông, cụ thể:
- Thị trấn Ea T’ling và các xã Tâm Thắng, Nam Dong, Ea Pô, Đắk Wil, Trúc Sơn, Cư Knia, Đắk Drông thuộc huyện Cư Jút;
- Thị trấn Đắk Mil và các xã Đắk Lao, Đức Minh, Đức Mạnh, Đắk Sắk, Thuận An, Đắk N'Drót, Đắk R’La, Đắk Gằn, Long Sơn thuộc huyện Đắk Mil;
- Thị trấn Đức An và các xã Nam Bình, Thuận Hạnh, Thuận Hà, Đắk Mol, Đắk Hòa, Đắk N'Drung, Nâm N’Jang, Trường Xuân thuộc huyện Đắk Song;
- Thị trấn Kiến Đức và các xã Kiến Thành, Đắk Wer, Nhân Cơ, Nhân Đạo, Nghĩa Thắng, Đạo Nghĩa, Đắk Sin, Hưng Bình, Đắk Ru, Quảng Tín thuộc huyện Đắk R'lấp;
- Thị trấn Đắk Mâm và các xã Đắk Sôr, Nam Xuân, Nam Đà, Đắk Drô, Tân Thành, Buôn Choah, Nâm N'Đir, Nâm Nung, Đức Xuyên, Đắk Nang, Quảng Phú thuộc huyện Krông Nô;
- Các xã Quảng Trực, Đắk Buk So, Đắk R'Tih, Quảng Tân, Quảng Tâm, Đắk Ngo thuộc huyện Tuy Đức;
- Các xã Quảng Khê, Đắk Plao, Đắk Som, Đắk Ha, Quảng Sơn, Đắk R'Măng, Quảng Hòa thuộc huyện Đắk G’Long;
- Các phường Nghĩa Đức, Nghĩa Thành, Nghĩa Phú, Nghĩa Tân, Nghĩa Trung, Quảng Thành và các xã Đắk R'Moan, Đắk Nia thuộc thành phố Gia Nghĩa./.
Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế