Tue, 27/11/2018 | 15:30 PM

View with font size Read content Change contract

Chiến lược Sở hữu trí tuệ cho các viện/trường trong xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo

Bộ KH&CN sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để Mạng lưới trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học...

Bộ KH&CN sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để Mạng lưới trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học vận hành ổn định, giúp cho các trường đại học, viện nghiên cứu tăng cường năng lực nội tại trong việc xác lập quyền SHTT và chuyển giao công nghệ.

Thứ trưởng Bùi thế Duy khẳng định tại hội thảo “Xây dựng chính sách SHTT cho các trường đại học và viện nghiên cứu” do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức từ ngày 26 - 28/11/2018 tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo nhằm cung cấp cho các đại biểu các kiến thức trong quản trị tài sản trí tuệ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, kết nối giữa viện/trường và các tổ chức khác và xây dựng một chính sách sở hữu trí tuệ phù hợp cho tổ chức của mình.

Hội thảo nằm trong các hoạt động thuộc Dự án “Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ” do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực sáng tạo, quản lý và thương mại hóa công nghệ của các nước đang phát triển và kém phát triển đã được triển khai tại một số nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Phillipin, Ấn Độ, Iran, Mông Cổ.

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Tại Việt Nam, Dự án đang ở giai đoạn khởi động và sẽ thực hiện trong 5 năm 2018-2022. Trong khuôn khổ Dự án, sẽ hình thành một mạng lưới theo mô hình “trục xoay và nan hoa”, gồm các tổ chức hỗ trợ (trục xoay) và các trường đại học, viện nghiên cứu (nan hoa). Trục xoay đóng vai trò hỗ trợ và điều phối các nan hoa trong quá trình phát triển công nghệ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là bảo hộ sáng chế đối với các công nghệ có tiềm năng và tiếp đó, thương mại hóa các sáng chế đó. Hoạt động của Dự án bao gồm đào tạo cán bộ cho mạng lưới, thiết lập liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với nhau và với các nhà đầu tư, góp phần hỗ trợ thương mại hóa sáng chế.

Có thể thấy, trong các năm qua, trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam đã tích lũy được năng lực, đóng góp nhiều cho sự phát triển KH&CN của Việt Nam, các công bố quốc tế, đặc biệt các bài báo trên tạp chí ISI cũng đã tăng nhanh.

Tuy nhiên, bên cạnh việc đóng góp cho tri thức của nhân loại, có một “điểm yếu” của viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam là gần như chưa cụ thể hóa các kết quả, chưa biến các kết quả thành tài sản. Hiện trạng này thể hiện thông qua số lượng đăng ký sáng chế hàng năm ở Cục SHTT với hơn 200-300 đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam, điều đáng nói ở đây, các sáng chế gia tăng chủ yếu ở khu vực tư nhân và các chủ thể khác.

Thêm một thực tế, các trường đại học, viện nghiên cứu đang gặp khó khăn và thiếu kinh nghiệm với một hợp đồng nghiên cứu cùng với doanh nghiệp nên lập các điều khoản về SHTT như thế nào…và gần như bỏ qua điều khoản này.

Vì vậy, chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi, tại sao các kết quả nghiên cứu của trường đại học, viện nghiên cứu được thừa nhận là tốt, quốc tế thừa nhận, thậm chí nhiều kết quả góp phần phát triển KT-XH, nhưng kết quả hữu hình lại hạn chế. Nói chính xác là chúng ta chưa quen với cách bảo hộ tài sản, đưa tài sản thành tài sản trí tuệ có giá trị, thành tiền thông qua thương mại hóa.

Để giải quyết vấn đề này, trong tháng 3/2017, bên lề chuyến thăm Việt Nam của Tổng giám đốc Tổ chức SHTT thế giới Francis Gurry, Cục SHTT đã phối hợp với WIPO tổ chức Hội thảo về Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo tại trường đại học và viện nghiên cứu thông qua mô hình “trục xoay và nan hoa”, Tọa đàm về thực trạng hoạt động nghiên cứu triển khai, bảo hộ sáng chế và thương mại hóa sáng chế tại trường đại học và viện nghiên cứu.

Tiếp theo các hoạt động trên, từ 25-29/9/2017, Cục SHTT đã phối hợp với WIPO tổ chức Hội nghị phỏng vấn các viện nghiên cứu/trường đại học tại TP Hồ Chí Minh (25-26/9/2017) và tại Hà Nội (28-29/9/2017) để lựa chọn các đơn vị tham gia Dự án và đồng thời, tổ chức Khóa đào tạo nâng cao về chuyển giao công nghệ thành công (STL) tại TP. Hồ Chí Minh.

 Kết nối với chuỗi hội thảo năm 2017, hội thảo lần này có mời các chuyên gia WIPO sang giới thiệu việc xây dựng chính sách SHTT cho các trường, viện nghiên cứu trong bối cảnh các viện, trường còn khá “lúng túng”, chưa xác định được định hướng xây dựng chiến lược SHTT cho riêng mình, chưa hiểu rõ kết quả nào nên đăng ký SHTT, nên biến thành tài sản hữu hình…, qua đó giúp cho các viện, trường sẽ định hình được một chính sách phù hợp nhất với điều kiện của đơn vị mình và đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các bên, khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ.

Song song với sự kiện ngày hôm nay, Bộ KH&CN cũng sẽ triển khai các nội dung xây dựng các Trung tâm ĐMST tại Việt Nam, phối hợp với một số tập đoàn đa quốc gia trên thế giới xây dựng mô hình kết nối giữa trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp để hình thành nên mạng lưới ĐMST, từ đó giúp cho các nhà nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam tham gia mạng lưới này để có thể tham gia xây dựng mạng lưới SHTT.

Cho đến thời điểm này, Bộ KH&CN đã kết nối được mạng lưới gồm 30 trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ (TISC) trong các trường đại học/viện nghiên cứu. Trong số 30 thành viên này, có 20 viện nghiên cứu/trường đại học đăng ký tham gia Dự án “Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ” do WIPO hỗ trợ. Sau lần phỏng vấn thứ nhất, WIPO đã sơ bộ chọn 12 đơn vị tham gia Dự án. Sau cuộc họp tham vấn lần này, WIPO sẽ chính thức ký kết và triển khai các hoạt động của Dự án Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ. Để triển khai Dự án, Bộ KH&CN sẽ xem xét thành lập Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo các cơ quan quản lý, các trường đại học, viện nghiên cứu. Bên cạnh đó, Văn phòng Dự án sẽ được thành lập và được đặt ở Cục SHTT.

Trong giai đoạn tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung nguồn lực để Mạng lưới trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học vận hành ổn định, giúp cho các trường đại học,viện nghiên cứu tăng cường năng lực nội tại trong việc xác lập quyền SHTT và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là chú trọng vào việc tăng số lượng sáng chế của Việt Nam cũng như thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa tài sản trí tuệ. Sự gia tăng số lượng sáng chế của người Việt Nam và tăng cường hoạt động chuyển giao công nghệ sẽ giúp gia tăng thành quả sáng tạo và chỉ số lan tỏa tri thức, đó là những đóng góp tích cực để cải thiện.

Đồng tình với quan điểm và cam kết hành động của Bộ KH&CN cho hoạt động SHTT và ĐMST, ông Richard S. Cahoon, Chủ tịch, BioProperty Strategy Group Inc., Giáo sư kiêm nhiệm, Chương trình Quốc tế, Cornell University, Ithaca, NY, Mỹ, Cựu giám đốc Văn phòng Chuyển giao công nghệ đại học Cornell; Ông Ashley Stevens, chủ tịch Focus IP Group, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Osaka, Nhật Bản, cho rằng, tuy Việt Nam đi sau một số quốc gia khác về kinh nghiệm, về chuyển giao công nghệ và SHTT nhưng khi đang ở giai đoạn đầu sẽ có cơ hội xây dựng hệ thống SHTT một cách hiệu quả.

“Nếu coi SHTT là sáng chế, là “công cụ” cho mọi hoạt động thì “công cụ” ở đây chính là thể hiện bản chất của hoạt động SHTT. ông Richard S. Cahoon cũng ví von về hình ảnh “chiếc búa” quyền lực có thể xây dựng những gì chúng ta cần xây lại, ở đây chính là phát triển kinh tế, việc làm, công nghệ mới…chính vì vậy, “công cụ” cần phải được dùng đúng lúc”.

Ông Richard S. Cahoon, Chủ tịch, BioProperty Strategy Group Inc., Giáo sư kiêm nhiệm, Chương trình Quốc tế, Cornell University, Ithaca, NY, Mỹ, Cựu giám đốc Văn phòng Chuyển giao công nghệ đại học Cornell.


Ông Richard S. Cahoon  cũng nhấn mạnh, Dự án khởi tạo này phải được đặt vào tay những “thợ xây” có năng lực. Bởi không thể xây dựng một cấu trúc trên nền móng yếu kém. Một ý tưởng sáng tạo, tạo ra một hệ thống sáng tạo, một sản phẩm dịch vụ, một công ty về ĐMST phải đựa trên nền móng vững chắc về chính sách và SHTT.

“Không có chính sách SHTT nào là hoàn hảo, chúng ta cần lựa chọn và phụ thuộc và nhu cầu của chính đơn vị mình. Chúng tôi sẽ giúp các bạn hiểu về quản lý SHTT, chuyển giao, thương mại hóa tài sản trí tuệ trong các viện, trường một cách hiệu quả và bền vững, đồng thời cam kết sẽ đồng hành, quan sát, hỗ trợ Việt Nam trong các dự án tới”, ông Richard S. Cahoon  cam kết.

Cũng theo bà Lien Verbauwhede Koglin, Cố Vấn, Phòng hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa, WIPO, trong bối cảnh mới, hướng sự tập trung toàn cầu kết nối viện, trường thúc đẩy, chia sẻ kiến thức thực tiễn, rời khỏi phòng thí nghiệm đi đến thực tế, chọn tình huống thực tế để nghiên cứu. Chính vì vậy, SHTT đang là vấn đề cấp bách tại Việt Nam,  đây là điểm sáng trong phát triển kinh tế của quốc gia và tạo ra GDP ngày càng lớn. Đặc biệt, từ Chính phủ đến các Bộ, ngành địa phương đều cam kết hỗ trợ mạnh mẽ trong việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Lấy dẫn chứng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu Việt nam đứng thứ 45/126 quốc gia và nền kinh tế, số 2 trong các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Tuy nhiên bà Lien Verbauwhede Koglin cũng cho biết, thực tế vẫn còn nhiều rào cản để sức sáng tạo, chính sách của Chính phủ chưa thể giải quyết được hết hết. Chính vì vậy, rất cần sự kết nối từ xã hội- doanh nghiệp- dân sự- Chính phủ.


Lien Verbauwhede Koglin, Cố Vấn, Phòng hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa, WIPO


“WIPO đã đưa ra một loạt chương trình giúp các trường đại học có chiến lược SHTT tốt nhất, thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, đóng góp vào phát triển bền vững của Quốc gia, nâng cao nhận thức về SHTT, khuyến khích viện, trường thúc đẩy kinh doanh, hiện đại hóa SHTT để phát triển KT-XH địa phương”, bà Lien Verbauwhede Koglin bày tỏ.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các nội dung chính như: Bối cảnh chung về SHTT và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu; Chính sách của cơ quan SHTT:  Các điều kiện tiên quyết cần thiết cho chuyển giao bí quyết thành công và thương mại hóa tài sản trí tuệ; Các yếu tố quan trọng của nền tảng chính sách SHTT; Chuyển giao công nghệ dựa trên SHTT: quản trị, quản lý, hoạt động và tài trợ; Các chính sách SHTT cần thiết; Cơ chế thực thi chính sách  SHTT; Khuyến khích cho nhà nghiên cứu và nhân viên tổ chức quản lý SHTT; Thảo luận bàn tròn: Hướng đi của dự án Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Bên lề Hội thảo, ngày 29-30/11/2018 tại Hà Nội và ngày 3-4/12/2018 tại TP Hồ Chí Minh, WIPO sẽ tổ chức cuộc họp tham vấn lần 2 với các đơn vị được lựa chọn tham gia Dự án “Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ”. Các đơn vị được lựa chọn tham gia Dự án sẽ nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ WIPO và Cục SHTT để phát triển tài sản trí tuệ đối với công nghệ mà mình tạo ra./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN