Mon, 05/12/2022 | 14:45 PM

View with font size Read content Change contract

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2022, với chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.

Trong cuộc sống hiện đại, xã hội có xu hướng tiến đến việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Xu thế này đã được Đảng và Nhà nước ta sớm nắm bắt và xây dựng các quy định pháp luật để điều chỉnh nội dung này, cụ thể là ban hành Luật Bình đẳng giới năm 2006; tiếp theo đó là các Nghị định số 70/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/6/2008 hướng dẫn Luật Bình đẳng giới và Nghị định số 48/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/5/2009 về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới. Xác định được tầm quan trọng của bình đẳng giới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010). Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới được xác định là một bộ phận cấu thành quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, là cơ sở nền tảng của chiến lược phát triển con người của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu chính của giai đoạn này là đến năm 2020, về cơ bản bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Tiếp theo giai đoạn 2011-2020, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 (kèm theo Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ) với mục tiêu chính là tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Xuyên suốt 2 Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới nêu trên, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (Tháng hành động) đã được triển khai từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hằng năm (bắt đầu từ năm 2016). Tháng hành động đóng vai trò là chiến dịch truyền thông cao điểm về bình đẳng giới, mở đầu cho hàng loạt các hoạt động hưởng ứng với các quy mô khác nhau trên cả nước. Mỗi năm một chủ đề, Tháng hành động đã góp phần mạnh mẽ trong việc thu hút sự quan tâm và tham gia của nhân dân và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới. Cùng với đó, bộ nhận diện truyền thông độc đáo và ý nghĩa cũng góp phần lan tỏa sự kiện này đến với người dân.

- Màu sắc: Màu cam đã được Liên hiệp quốc lựa chọn là màu biểu tượng cho chiến dịch toàn cầu hóa về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Ruy băng màu trắng là biểu tượng của chiến dịch truyền thông của nam giới nhằm kêu gọi xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.

- Hình ảnh: Nhìn thoáng là 1 trái tim, ngắm kỹ là 1 con người được ghép từ 2 hình người đang ôm nhau; Hai cánh tay ôm nhau kết thành hình ảnh chiếc ruy băng trắng (là biểu tượng của chiến dịch toàn cầu lớn nhất của nam giới, bắt đầu từ năm 1991, nhằm chống lại bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới).

        
 

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2022, với chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Tại buổi lễ phát động Tháng hành động, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chia sẻ về chủ đề Tháng hành động năm 2022, một lần nữa khẳng định những ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, trong bối cảnh Việt Nam đang phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022, toàn thể cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc bình đẳng và hợp tác.

Phòng Tổ chức cán bộ