Thu, 14/11/2019 | 09:04 AM
Quyết định thành bại trong cạnh tranh
Cục Sở hữu trí tuệ xin trân trọng giới thiệu bài đăng trên Báo điện tử Đại biểu Nhân dân ngày 12/11/2019 phỏng vấn TS PHẠM TẤT THẮNG, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Trong sân chơi hội nhập, để doanh nghiệp đứng vững và phát triển, TS PHẠM TẤT THẮNG, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ là việc rất quan trọng, mang tính quyết định sự phát triển và thành bại trong cạnh tranh của doanh nghiệp.
TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, TN, TN và NĐ của Quốc hội
- Thưa Ông, ngày nay sở hữu trí tuệ có vai trò như thế nào đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp?
TS PHẠM TẤT THẮNG: Chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Khi đã hội nhập, nhất là sau khi gia nhập WTO thì các doanh nghiệp của chúng ta phải chấp nhận một luật chơi chung. Vì vậy, muốn vươn ra biển lớn thì doanh nghiệp của chúng ta phải mạnh hơn, nắm chắc nguyên tắc, có như vậy mới phát triển được. Theo đó, trong cơ cấu giá trị của doanh nghiệp, các giá trị được tạo ra từ tài sản trí tuệ ngày càng có tỷ trọng cao hơn. Từ đó, buộc các doanh nghiệp phải tiến hành việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ quyết định thành bại trong cạnh tranh. Bởi đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, không chỉ giúp doanh nghiệp bảo vệ được tài sản - nhiều khi là tài sản lớn, có giá trị lâu dài - giữ vững được uy tín vị thế trên thị trường mà còn đem lại giá trị gia tăng lớn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, việc doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ bảo đảm việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm quyền này. Mặt khác, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn có tác dụng kích thích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, hiệu quả và lành mạnh.
Nói cách khác, khi doanh nghiệp có nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đăng ký sở hữu trí tuệ thì đây được xác lập là tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, từ đó sẽ giúp doanh nghiệp có những lợi thế phát triển sản phẩm, trước hết là nâng cao niềm tin với người tiêu dùng mà doanh nghiệp đang hướng đến. Cũng thông qua sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp cung cấp hình ảnh, danh tiếng và sự nhận diện khác biệt sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất ra, nhờ đó khách hàng có thể nhận diện được, phân biệt được.. Trong khi, quyền sở hữu trí tuệ là quyền độc quyền, do đó khi nắm giữ độc quyền về nhãn hiệu, kiểu dáng và sáng chế cho một sản phẩm thì đương nhiên các đối thủ cạnh tranh sẽ không được phép khai thác và sử dụng các nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và sáng chế đó để sản xuất sản phẩm, vì thế doanh nghiệp duy trì được lợi thế, vị thế cạnh tranh đối với sản phẩm đó trên thị trường.
Trong sân chơi hội nhập việc đăng ký sở hữu trí tuệ quyết định sự thành bại trong cạnh tranh của doanh nghiệp
- Như vậy, sở hữu trí tuệ có vai trò rất quan trọng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, thưa Ông ?
TS PHẠM TẤT THẮNG: Đúng như vậy. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, sở hữu trí tuệ càng trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Bởi nếu thực hiện việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tốt sẽ khuyến khích thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và tạo uy tín cho sản phẩm. Đồng thời, nếu việc bảo hộ sở hữu trí tuệ được thưc hiện tốt sẽ dẫn đến chất lượng sản phẩm cao, được bảo vệ tốt, hạn chế được các hành vi vi phạm như hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng… Từ đó, giúp sản phẩm đứng vững và phát triển trên thị trường, cũng có nghĩa góp phần thúc đẩy kinh tế quốc gia hội nhập vững chắc trong sân chơi kinh tế quốc tế. Ngược lại, nếu công tác thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ yếu kém dẫn đến quốc gia phát triển công nghệ với chi phí thấp, theo đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng… tung hoành. Từ đó dẫn đến hệ lụy môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh sẽ đẩy nền kinh tế quốc gia đó tự đánh mất thương hiệu trong sân chơi hội nhập. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một xu thế tất yếu phù hợp với xã hội văn minh.
- Vậy để thực hiện tốt việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ thì cần có biện pháp nào, thưa Ông ?
TS PHẠM TẤT THẮNG: Có thể thấy, hơn bao giờ hết, sở hữu trí tuệ đang ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và là tài sản giá có trị đặc biệt của các doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật, nhất là các quy phạm thực thi về sở hữu trí tuệ để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ một cách hữu hiệu đến các doanh nghiệp và phải tạo được những bước chuyển biến trong nhận thức của doanh nghiệp. Có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ, có chế tài đủ mạnh, xử lý cương quyết, công khai những vụ việc vi phạm về sở hữu trí tuệ, nhưng đồng thời cũng có giải pháp để người dân được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ có yếu tố sở hữu trí tuệ nhưng có giá thành phù hợp để khuyến khích người dân.
Bên cạnh đó, cần tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên môn nhằm tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp và các đối tượng liên quan trong hoạt động khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,…
- Xin cảm ơn Ông !
Bảo Ngân thực hiện
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân
Liên kết nguồn tin: https://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=83&NewsId=429131
Latest news title
- Lễ Ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa
- Hội nghị tổng kết công tác công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
Other news
- Công bố và trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng
- Sinh viên Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đạt giải nhì Cuộc thi Đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên và nhà sáng chế quốc tế năm 2019
- Nhu cầu nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ của các viện, trường
- Sửa đổi phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm quả cam
- Hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào Nhật Bản và Tài liệu giới thiệu các quy định đối với nông sản nhập khẩu vào Nhật Bản