Fri, 31/07/2020 | 16:10 PM

View with font size Read content Change contract

Việt Nam tham dự Hội nghị Lãnh đạo Cơ quan Sở hữu trí tuệ các nước Nam Á, Đông Nam Á, Iran và Mông Cổ

Tại Hội nghị, Cục Sở hữu trí tuệ đã bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia WIPO dành cho Việt Nam trong quá trình xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, đồng thời cho biết nhiều Bộ ngành và địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược giai đoạn 2020-2025.

Hội nghị Lãnh đạo Cơ quan Sở hữu trí tuệ các nước Nam Á, Đông Nam Á, Iran và Mông Cổ (gọi tắt là HIPOC) là diễn đàn trao đổi cấp cao được Vụ Châu Á – Thái Bình Dương (ASPAC) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức định kỳ hằng năm trong vài năm trở lại đây. Mục tiêu của HIPOC vừa nhằm tạo điều kiện để lãnh đạo các cơ quan Sở hữu trí tuệ cập nhật thông tin về tình hình phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành cơ quan sở hữu trí tuệ, vừa là dịp để WIPO giới thiệu các sáng kiến, chương trình hợp tác của mình nhằm nâng cao năng lực và hoàn thiện thể chế cho các quốc gia thành viên.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lần đầu tiên Hội nghị HIPOC năm nay được WIPO tổ chức dưới hình thức trực tuyến vào ngày 23 và 30/7/2020. Tham dự HIPOC lần này có ông Mario Matus, Phó Tổng Giám đốc phụ trách phát triển của WIPO, ông Andrew Michael Ong, Vụ trưởng ASPAC và hơn 60 đại biểu đến từ cơ quan sở hữu trí tuệ các nước trong khu vực. Ông Lê Ngọc Lâm đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị từ đầu cầu Hà Nội, Việt Nam. 

Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị HIPOC từ đầu cầu Hà Nội, Việt Nam

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và lâu dài, tác động đáng kể đến hoạt động của WIPO cũng như cơ quan sở hữu trí tuệ các nước, WIPO đã lấy chủ đề “Ở nhà cùng Sở hữu trí tuệ” (At Home with IP) cho Hội nghị năm nay. Theo đó, các biện pháp, chính sách được Cơ quan Sở hữu trí tuệ các nước áp dụng, cũng như quan điểm, định hướng ưu tiên hợp tác trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 là một trong những nội dung được các nước thảo luận tại Hội nghị.

Ông Andrew Michael Ong, Vụ trưởng ASPAC cho biết kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, nhiều phiên họp, hội thảo, khóa đào tạo do WIPO tổ chức đã chuyển sang hình thức trực tuyến, trong đó có Hội nghị HIPOC lần này, để phù hợp với tình hình thực tế. Một số phiên họp tại Trụ sở WIPO tại Giơ-ne-vơ dự kiến diễn ra vào cuối năm nay sẽ được tổ chức dưới hình thức “hybrid”, tức là kết hợp hình thức tổ chức trực tiếp với sự tham dự hạn chế, cụ thể là mỗi nước thành viên chỉ được cử 01 đại biểu đến từ thủ đô và 01 đại biểu thường trực tại Giơ-ne-vơ, với hình thức trực tuyến cho các đại biểu tham dự từ các đầu cầu các quốc gia thành viên. Ông Andrew khẳng định, dù trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay, WIPO nói chung và ASPAC nói riêng, vẫn nỗ lực để triển khai các hoạt động hợp tác với các nước thành viên một cách hiệu quả và phù hợp nhất. Đồng thời, WIPO cùng lãnh đạo các cơ quan sở hữu trí tuệ chia sẻ về định hướng ưu tiên hợp tác trong thời gian này để có thể điều chỉnh các kế hoạch hành động phù hợp.

Tham dự Hội nghị, Cục Sở hữu trí tuệ đã có bài tham luận chia sẻ một số nét nổi bật về tình hình phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam trong thời gian qua cũng như các biện pháp mà Cục Sở hữu trí tuệ áp dụng nhằm ứng phó với dịch COVID-19. Về khung pháp lý, Việt Nam đã ban hành Luật sửa đổi một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm trong năm 2019 nhằm thực thi các cam kết có hiệu lực thi hành ngay của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việt Nam cũng bắt đầu triển khai Hệ thống La Hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, sau hơn nửa năm kể từ ngày Thỏa ước La Hay có hiệu lực tại Việt Nam. Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã nhận được 41 đơn có chỉ định Việt Nam với tổng số 82 kiểu dáng công nghiệp.

Liên quan đến Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia của Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia WIPO dành cho Việt Nam trong quá trình xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt, đồng thời cho biết nhiều Bộ ngành và địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược giai đoạn 2020-2025. Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược của mình. Đặc biệt, Cục Sở hữu trí tuệ đã bắt tay vào triển khai các nhiệm vụ, trong đó có Dự án xây dựng hệ thống WIPO IPAS, nâng cấp hạ tầng trang thiết bị và triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tại Cục. Cục Sở hữu trí tuệ đã đề nghị WIPO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã chia sẻ một số biện pháp được Cục áp dụng nhằm tạo thuận lợi cho người nộp đơn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 như giảm 50% lệ phí sở hữu công nghiệp cho các đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp nộp từ ngày 26/5 đến ngày 31/12/2020 (theo quy định tại Thông tư số 45/2020/TT-BTC ngày 26/5/2020 của Bộ Tài chính) bên cạnh các biện pháp khác theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền như tổ chức cho cán bộ làm việc tại nhà, thay đổi hình thức họp từ trực tiếp sang trực tuyến, v.v.. trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Bên cạnh các bài tham luận chia sẻ thông tin về tình hình phát triển và kinh nghiệm áp dụng các biện pháp chống COVID-19 của cơ quan sở hữu trí tuệ các nước, WIPO cũng cập nhật tình hình triển khai các dự án/hoạt động hợp tác do ASPAC thực hiện nhằm nâng cao năng lực cho các cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia như Dự án Xây dựng Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia, Dự án Kiểm toán Quản lý và Nguồn lực Cơ quan Sở hữu trí tuệ, Dự án Môi trường đổi mới sáng tạo kiến tạo trong xây dựng thương hiệu và kiểu dáng công nghiệp, Dự án Môi trường Sở hữu trí tuệ kiến tạo (EIE) trong trong hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo, Dự án Quản lý về Học tập và đào tạo cá nhân dành cho thẩm định sáng chế và nhãn hiệu. Ngoài các dự án hỗ trợ kỹ thuật, trong thời gian qua WIPO còn phát triển các công cụ hữu ích khác như WIPO Proof – dịch vụ bảo mật các tài liệu SHTT dành cho các tác giả, nhà sáng tạo bằng hình thức sử dụng vân tay số; WIPO Lex Jugdment – cơ sở dữ liệu của WIPO về các bản án sở hữu trí tuệ hay Mentimeter – công cụ bổ trợ cho hình thức họp trực tuyến. Cơ quan Sở hữu trí tuệ các nước có thể lựa chọn chương trình, dự án phù hợp với lợi ích của mình để tham gia và góp phần phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ toàn cầu.

WIPO và các quốc gia tham dự Hội nghị HIPOC từ đầu cầu các nước

Hội nghị HIPOC trực tuyến đã kết thúc tốt đẹp sau hai ngày làm việc với nhiều bài tham luận của các nước tham dự và diễn giả của WIPO. Hy vọng Hội nghị sẽ tiếp tục là diễn đàn để Lãnh đạo Cơ quan Sở hữu trí tuệ các nước Nam Á, Đông Nam Á, Iran và Mông Cổ định kỳ trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý đặc biệt là tư duy đổi mới để phát triển như bài tham luận truyền cảm hứng của một diễn giả đến từ Đại học California Berkeley Hoa Kỳ tại Hội nghị HIPOC năm nay.

 

Phòng Hợp tác quốc tế