Mon, 04/01/2021 | 15:30 PM
Mô hình điểm áp dụng sáng chế vào sản xuất nông nghiệp
Gia Lai có điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp nông - lâm nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao đặc biệt là các cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cao su,… và chăn nuôi bò.
Một trong những giải pháp giúp ngành nông nghiệp Gia Lai phát triển bền vững đó là tận dụng hiệu quả nguồn hữu cơ sẵn có tại địa phương như phân thải chăn nuôi, than bùn, bã bùn mía làm nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh (HCVS), HC khoáng có chất lượng tốt, giá cả hợp lý bón cho cây trồng, góp phần đẩy lùi tình trạng sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.
Trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, dự án “Áp dụng các sáng chế số 7913, 9529 và giải pháp hữu ích HI-0201 để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phân thải chăn nuôi, bùn mía và than bùn tại tỉnh Gia Lai” cơ bản đã hoàn thành các nội dung và mục tiêu đã đề ra. Ngày 29/12/2020, dự án đã được Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ đánh giá nghiệm thu mức xuất sắc.
Hiệu quả áp dụng sáng chế vào sản xuất nông nghiệp
Những sáng chế được áp dụng trong dự án rất thiết thực với nhu cầu và phù hợp với tính cấp thiết của sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng trọt, chăn nuôi nói riêng hiện nay. Vì thế sự thành công của dự án sẽ khẳng định được vai trò và ý nghĩa của tài sản trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khi được chú trọng và khai thác một cách tối ưu, tài sản “vô hình” này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng cường sức mạnh, nâng cao vị thế, uy tín và khả năng cạnh tranh nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận. Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, sở hữu trí tuệ là một công cụ đắc lực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ cũng đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Triển khai bón phân HCVS, HC khoáng cho cà phê trong mô hình thử nghiệm
Quá trình thực hiện các nội dung của dự án đã hình thành môi trường gắn kết các nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực cây trồng, thổ nhưỡng, môi trường…tiến tới những kết quả có tính khái quát và thực tiễn đối với kinh doanh cây cao su và cà phê.
Hoạt động tư vấn, đào tạo, tập huấn của dự án đã nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ và nông dân trồng cà phê, cao su, giúp nhận thức đúng đắn về việc sử dụng phân bón tốt nhất cho phát triển một nền nông nghiệp bền vững. Việc tổ chức Hội nghị, Hội thảo đã tạo cơ hội liên hiệp những người kinh doanh cây cà phê, cao su chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, học hỏi từ cộng đồng, trang bị thêm kiến thức khoa học kỹ thuật, kiên trì phát triển hai loại cây có giá trị thương mại này.
Sự thành công của dự án là cơ sở để khích lệ các sáng chế được triển khai ứng dụng rộng rãi, phát triển giá trị tài sản trí tuệ, khuyến khích nâng cao năng lực ứng dụng và là tiền đề thúc đẩy các nhà khoa học không ngừng đam mê nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra các công nghệ mới, các sáng chế mới phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Kết quả của dự án có giá trị sử dụng, tham khảo cho những nghiên cứu sâu hơn nữa không chỉ đối với cây cà phê và cây cao su mà còn các cây công nghiệp khác trên vùng đất cao nguyên.
Tác động lớn đến kinh tế - xã hội của tỉnh
Việc áp dụng công nghệ sản xuất phân bón HCVS, HC khoáng từ các nguồn nguyên liệu hữu cơ bã bùn mía, phân thải chăn nuôi, than bùn theo các sáng chế 9529 và giải pháp hữu ích số HI-0201 trong quá trình sản xuất 500 tấn phân bón HCVS, HC khoáng đã mang lại nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Mô hình đã tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương là than bùn, phân thải từ các trang trại chăn nuôi và phế thải của các nhà máy chế biến đường, do đó sẽ giảm được chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất, mang lại doanh thu gần 2 tỷ đồng và góp phần nâng cao lợi nhuận cho Nhà máy gần 320 triệu đồng. Dự kiến sau khi kết thúc dự án, nếu Nhà máy hoạt động hết công suất với lượng phân bón HCVS, HC khoáng sản xuất và bán ra thị trường hàng năm khoảng 10.000-15.000 tấn/năm, sẽ đem lại lợi nhuận từ 3,2-4,8 tỷ đồng/năm, đồng thời mở thêm hướng kinh doanh, cạnh tranh thị trường phân bón khu vực Tây Nguyên.
Kết quả đánh giá tác động của phân bón HCVS, HC khoáng đến cây cà phê, cao su cho thấy sử dụng phân bón HCVS, HC khoáng giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, tăng sức đề kháng và tăng khả năng chống chịu bệnh hại đồng thời giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho người đầu tư, góp phần giải quyết những khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá cả ngày càng xuống thấp của các mặt hàng mủ cao su và cà phê trong những năm gần đây cho người nông dân. Ngoài ra sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng trong canh tác cà phê, cao su còn giúp bổ sung các chất hữu cơ, các chủng vi sinh vật hữu ích, tăng độ tơi xốp đất, hạn chế xói mòn, bảo vệ và cải tạo được đất trồng, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Thu hoạch cà phê trong vùng thử nghiệm
Dự án được xây dựng và triển khai thành công đã giúp tạo công ăn việc làm, thu hút lao động làm công nhân hay nhận vườn khoán, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên của Nhà máy vi sinh - Chi nhánh Tổng công ty 15 và hàng trăm lao động phổ thông trong vùng, đặc biệt đối với những lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. So với nguồn thu nhập chính từ nương rẫy không ổn định như trước đây thì mức thu nhập từ việc tham gia các hoạt động sản xuất phân bón, chăn nuôi, chăm sóc cà phê, cao su của Nhà máy vi sinh (với mức thu nhập bình quân dao động từ 200.000-300.000 đồng/ngày công) giúp đời sống của người nông dân được cải thiện. Dự án không chỉ có ý nghĩa lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh Gia Lai mà còn tạo ra những nhân tố mới trong xóa bỏ các tập tục lạc hậu, đoàn kết trong lao động sản xuất, tích cực vận động cộng đồng trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Mô hình áp dụng sáng chế tiêu biểu
Nội dung và mục tiêu của dự án xuất phát từ những vấn đề cấp thiết như: giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường từ các hoạt động chăn nuôi khi ngành chăn nuôi tại địa phương ngày càng phát triển, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường từ các nguồn thải của nhà máy chế biến đường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có (than bùn), đáp ứng nhu cầu sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ, chất lượng tốt để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế và bảo vệ đất trồng, nên thiết thực với điều kiện sản xuất và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Gia Lai.
Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ ngày 29/12/2020
Các công nghệ ứng dụng trong dự án dựa trên những nghiên cứu đã được công nhận sáng chế, đồng thời đã được nghiên cứu bài bản để phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, kết quả áp dụng mang lại hiệu quả cao và tác động tích cực tới nhiều mặt kinh tế, môi trường, xã hội vì thế công nghệ có khả năng ứng dụng cao, có thể duy trì và phát triển tại địa phương.
Địa bàn triển khai dự án là tỉnh Gia Lai, thuộc khu vực Tây Nguyên – là vùng trồng cây công nghiệp lớn nhất cả nước, vì thế nhu cầu sử dụng phân bón đặc biệt là phân bón có nguồn gốc hữu cơ, chất lượng tốt tại địa bàn triển khai dự án là rất cao. Sản phẩm tạo ra trong dự án là phân bón HCVS, HC khoáng được sản xuất từ than bùn, phân bò, bã bùn mía theo công nghệ Fitohoocmon.
Kết quả đánh giá trong dự án cho thấy sử dụng phân bón HCVS, HC khoáng giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế cho người nông dân, góp phần đẩy lùi tình trạng sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang diễn ra phổ biến tại địa phương đồng thời giải quyết phần nào khó khăn cho bà con nông dân khi giá cả cà phê, cao su giảm mạnh, thị trường tiêu thụ bấp bênh.
Ngoài ra, việc sử dụng phân bón HCVS, HC khoáng cho cây trồng một cách khoa học sẽ góp phần không nhỏ tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch cho nhu cầu thực phẩm an toàn ngày càng tăng của người tiêu dùng thông thái trên thị trường, phù hợp với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu trong thời kỳ hội nhập kinh tế trong khu vực và trên thế giới hiện nay. Vì vậy, các sản phẩm phân bón HCVS, HC khoáng của dự án hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại địa phương và có tiềm năng về thị trường lớn. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi giúp cho dự án có khả năng nhân rộng và phát triển bền vững.
Việc triển khai thành công Dự án còn có ý nghĩa trong tiến trình thực hiện chỉ thị 117/CT- BNN – BVTV ngày 07/01/2020 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn về Tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ và dựa trên chiến lược phát triển nông nghiệp việt Nam giai đoạn 2016 – 2020.
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn
Latest news title
- Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử”
- Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Cục Sở hữu trí tuệ triển khai Chương trình đào tạo và tư vấn quản trị sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam
- Giới thiệu cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin sáng chế Patentscope
- Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng công cụ tra cứu nhãn hiệu Global Brand Database
- Hội thảo khoa học về Sở hữu trí tuệ và Quản lý tài sản trí tuệ tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
Other news
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên sâu về sở hữu trí tuệ góp phần thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030
- Tạo cộng đồng kết nối sở hữu trí tuệ và hoạt động đổi mới sáng tạo
- Cục trưởng Đinh Hữu Phí làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình
- Hiệp định EVFTA – cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu