Tue, 14/04/2020 | 09:58 AM
Bột tắm dược liệu từ cây đơn đất giúp làm đẹp và bảo vệ da
Lâu nay, cây đơn đất vẫn được dùng để chữa các bệnh rôm sảy, viêm da cơ địa, cảm sốt... nhưng chưa được “công nghiệp hóa” thành các sản phẩm tiện lợi, dễ sử dụng. Trong một sáng chế mới đây, PGS.TS Phạm Thế Chính, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên và cộng sự đã đề xuất phương pháp sản xuất bột tắm dược liệu từ cây đơn đất giúp kháng khuẩn, chống viêm, làm trắng da, chống côn trùng và hỗ trợ phục hồi các vết thương nhỏ.
Cây đơn đất (tên khoa học là Wedelia chinensis Merr) là một loại cỏ mọc hoang phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh phía bắc. Từ lâu, người dân đã sử dụng cây đơn đất để chữa một số bệnh thông thường như rôm sảy, viêm da cơ địa, cảm sốt... Trong đông y, cây đơn đất là một vị thuốc quý, có mặt trong nhiều bài thuốc để điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm họng, viêm ruột thừa, viêm gan truyền nhiễm, viêm dạ dày, tiêu hóa kém, đau nhức xương khớp, sốt rét. Các nghiên cứu sàng lọc hiện đại gần đây cho thấy dịch chiết từ cây đơn đất có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, làm lành các vết thương, bảo vệ gan, làm giảm đau, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phạm Thế Chính (hiện là Trưởng Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên) và PGS.TS Phạm Thị Thắm (hiện công tác tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) đã phát hiện dịch chiết, tinh dầu của toàn bộ các bộ phận cây đơn đất có khả năng kháng khuẩn rất mạnh, đặc biệt là các chủng vi khuẩn gây viêm nhiễm nguy hiểm như S. aureus và B. subtilis. Trong đó tinh dầu cây đơn đất có hoạt tính mạnh với chủng vi khuẩn B. Subtilis với giá trị IC50=17,34 (mg/ml). Các cặn chiết có khả năng ức chế mạnh trực khuẩn S. arenus ở nồng độ IC50=52,7μg/ml và B. subtililis ở nồng độ IC50=159,1 μg/ml. Đặc biệt, cặn chiết và tinh dầu của các bộ phận cây đơn đất đều có tính chống oxy hóa ở nồng độ IC50=198,6 μg/ml, do đó hoàn toàn có thể sử dụng làm các mỹ phẩm có khả năng làm trắng da. Ngoài ra, tinh dầu cây cũng giúp đuổi muỗi và côn trùng.
Mặc dù có nhiều đặc tính quan trọng như vậy nhưng cây đơn đất vẫn chỉ được sử dụng khá “đơn giản” và “thô sơ” – bằng cách đun lá tươi để uống hoặc tắm. Tuy nhiên, phương pháp này không tận dụng được tối đa lợi ích của dược liệu do nguyên liệu (thân, lá, rễ, hoa của cây đơn đất) được lựa chọn ngẫu nhiên, trong khi mỗi bộ phận này đều có tỉ lệ hoạt chất khác nhau với những tính chất riêng. Mặt khác, người dùng ở các đô thị lớn khó tiếp cận được loại lá này vì nguyên liệu không sẵn có. Chưa kể mua lá về dùng còn mất nhiều thời gian nấu, gạn, lọc bã.
Để phát triển một sản phẩm sao cho tối ưu được các hoạt chất của đơn đất, tiện lợi cho người dùng, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một loại bột dược liệu khô được pha trộn từ rễ, thân, lá và hoa của cây đơn đất theo một tỷ lệ hợp lý để phát huy tối đa công dụng của cây.
Với phương pháp của PGS.TS Phạm Thế Chính và cộng sự, cây đơn đất sau khi được thu hoạch và xử lý sạch sẽ được phơi khô từng bộ phận rễ, thân, lá và hoa trong 18 tiếng (mỗi ngày 6 tiếng từ 9-15h) dưới điều kiện ánh nắng liên tục hoặc sấy ở nhiệt 45°C - mức nhiệt phù hợp để sản phẩm không bị mốc hoặc bay hơi tinh dầu. Sau đó, các bộ phận cây sẽ được nghiền, trộn với tốc độ nghiền từ 4000 - 4500 vòng/phút và theo tỉ lệ khối lượng: 5% bột rễ cây, 0,5% bột hoa cây và 94,5% bột thân và lá cây đơn đất.
Thoạt nhìn, quy trình trên có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế, để tìm ra những điều kiện cụ thể từ khâu sơ chế tới phối trộn sao cho sản phẩm đạt hiệu quả cao nhất, các nhà nghiên cứu đã phải thử nghiệm và đánh giá nhiều lần. Đơn cử như thời gian phơi sấy dược liệu, nếu không đủ lâu theo công thức trên sẽ không đảm bảo được độ khô của dược liệu, nhưng nếu lâu hơn sẽ làm bay hơi tinh dầu có trong cây đơn đất và oxy hóa một số hoạt chất, làm giảm chất lượng sản phẩm. Về tỉ lệ thành phần bột tắm, nếu định lượng thấp hơn sẽ không đáp ứng được hoạt tính kháng khuẩn và chống oxy hóa, nhưng nếu cao hơn có thể gây hại cho da khi sử dụng.
Để thuận tiện cho người dùng, nhóm nghiên cứu còn tìm cách thiết kế sản phẩm dưới dạng túi lọc, dễ bảo quản và sử dụng, không bị lẫn cặn vào nước tắm hay bám trên da của trẻ nhỏ.
Cây đơn đất hiện được trồng nhiều tại vườn dược liệu ở khu vực xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình và xã Thái Thịnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, dễ kiếm và phương pháp sản xuất không phức tạp, bột tắm dược liệu từ cây đơn đất hoàn toàn có thể được ứng dụng và sản xuất rộng rãi trên thị trường. Năm 2017, sản phẩm bột tắm dược liệu từ cây đơn đất đã được chuyển giao cho công ty TNHH TM và DV XNK An Đức và hiện đang được phân phối rộng rãi tại các siêu thị và nhà thuốc trên toàn quốc.
Sản phẩm bột tắm dược liệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế số 1-0023023 công bố ngày 25/02/2020.
PGS.TS Phạm Thế Chính, Trưởng Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên và cộng sự trong phòng thí nghiệm của trường. Ảnh: Thainguyen.gov.vn
Cây đơn đất. Ảnh: Phạm Thị Thắm
Mỹ Hạnh – Thanh An
(Bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học và Phát triển)
Latest news title
- Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử”
- Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Cục Sở hữu trí tuệ triển khai Chương trình đào tạo và tư vấn quản trị sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam
- Giới thiệu cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin sáng chế Patentscope
- Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng công cụ tra cứu nhãn hiệu Global Brand Database
- Hội thảo khoa học về Sở hữu trí tuệ và Quản lý tài sản trí tuệ tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh