Thu, 04/05/2023 | 08:39 AM
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “VÂN THỦY” cho sản phẩm mật ong hoa ngũ gia bì
Ngày 17/04/2023, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 647/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00129 cho sản phẩm mật ong hoa ngũ gia bì Vân Thủy. Ủy ban nhân dân huyện Chi Lăng là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Vân Thủy là xã miền núi của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là xã có diện tích đồi, rừng lớn với nhiều loại cây tự nhiên và cây rừng trồng có tiềm năng khai thác thành cây nguồn mật để phát triển nghề nuôi ong mật. Trong số các loại cây rừng đó, cây ngũ gia bì mọc tự nhiên, rải rác trên quy mô diện tích khoảng 1.100 ha. Hoa ngũ gia bì nở vào giai đoạn mùa đông, được người dân trên địa bàn xã Vân Thủy khai thác để sản xuất một vụ mật ong chính trong năm.
Toàn xã Vân Thủy có trên 100 hộ nuôi ong với khoảng 800 đàn, sản lượng đạt từ 1.000 đến 2.000 lít/năm. Mật ong ngũ gia bì đặc biệt ở chỗ cây ngũ gia bì ra hoa từ tháng 10 đến tháng 12, đây là mùa hanh khô. Ở những vùng khác, thời gian này, ong đã ngủ đông thì đây lại chính là cao điểm ong ở Vân Thủy cho mật, mật thu được gọi là mật ong ngũ gia bì.(1)
Mật ong hoa ngũ gia bì Vân Thủy có vị ngọt vừa, hơi đắng hậu; hàm lượng Vitamin B5: 0,11 – 0,21 mg/100g; hàm lượng Saponin triterpenenoid: 4,73 – 4,79 mg/100g. Yếu tố chính tạo nên chất lượng đặc thù trên cho mật ong hoa ngũ gia bì Vân Thủy là do mật ong được thu hoạch từ nguồn mật hoa cây ngũ gia bì tại khu vực địa lý.
Với các điều kiện về khí hậu như nhiệt độ trung bình hàng năm trên 200C, khí hậu mát; lượng mưa trung bình năm khoảng 1.400 mm; ít chịu ảnh hưởng của gió bão, độ ẩm lớn; đặc biệt là loại đất tại khu vực địa lý hầu hết là feralit hình thành trên cát kết và bột kết có màu vàng đỏ, phân bố chủ yếu từ dạng địa hình đồi trung bình và đồi cao, thuộc tiểu vùng núi đá vôi cánh cung Bắc Sơn, khu vực địa lý rất phù hợp với yêu cầu điều kiện sinh thái để cây ngũ gia bì chân chim sinh trưởng và phát triển. Cây ngũ gia bì phân bố trên toàn khu vực địa lý với mật độ dao động khoảng từ 20 – 30 cây/ha.
Chất lượng của mật ong hoa ngũ gia bì có được là còn nhờ kỹ thuật độc đáo trong quy trình nuôi ong lấy mật của người dân tại khu vực địa lý. Người dân ở Vân Thủy chỉ sử dụng giống ong nội (Apris cerana) để nuôi. Thời gian nuôi và khai thác mật ong hoa ngũ gia bì từ tháng 11 đến hết tháng 2 năm sau, đây là giai đoạn có nhiệt độ thấp nhất trong năm nên hầu hết những loại cây trồng và cây tự nhiên khác tại Vân Thủy không có đặc tính ra hoa. Ngược lại, cây ngũ gia bì nở hoa trắng khắp các cánh rừng tại Vân Thủy. Trong thời gian thu hoạch, người dân tuyệt đối không cho ong ăn bổ sung để đảm bảo đặc tính tự nhiên của mật ong hoa ngũ gia bì. Để đảm bảo hàm lượng nước thấp và tránh ấu trùng chết lên men làm mật chua, khi các bánh tổ mật đã vít nắp được khoảng 90%, người dân sẽ tiến hành thu hoạch mật bằng cách sử dụng thùng quay mật và lọc mật.
Khu vực địa lý: xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế
-----
(1) Theo Báo Lạng Sơn điện tử (baolangson.vn)
Latest news title
- Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử”
- Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Cục Sở hữu trí tuệ triển khai Chương trình đào tạo và tư vấn quản trị sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam
- Giới thiệu cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin sáng chế Patentscope
- Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng công cụ tra cứu nhãn hiệu Global Brand Database
- Hội thảo khoa học về Sở hữu trí tuệ và Quản lý tài sản trí tuệ tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
Other news
- Bình đẳng giới trong ngành nông nghiệp châu Phi: Mệnh lệnh về sự đổi mới
- Phát triển chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài
- Xúc tiến chuyển giao công nghệ gắn với bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ
- Hoạt động sáng tạo của phụ nữ khu vực miền Trung - Tây Nguyên góp phần phát triển kinh tế - xã hội
- Hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ năm 2022: nỗ lực hồi phục sau đại dịch