Tue, 23/01/2024 | 08:00 AM
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Bến Lức Long An" cho sản phẩm Chanh không hạt
Ngày 18 tháng 01 năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 09/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00133 cho quả chanh không hạt Bến Lức Long An. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này
Cây chanh không hạt (Citrus latifolia Tanaka) được du nhập vào Việt Nam năm 1994 và sau đó phát triển tại Bến Lức, Long An. Cây có tính thích nghi rộng, có thể sinh trưởng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau từ vùng đất đồi núi đến vùng đất giàu phù sa. Vùng trồng chanh không hạt tại Long An được coi là có quy mô lớn nhất trên cả nước với diện tích tập trung trên 10.000 ha, trong đó Bến Lức chiếm trên 60%.
Danh tiếng của chanh không hạt Bến Lức Long An không chỉ được thể hiện qua quy mô và giá trị xuất khẩu mà còn được thể hiện qua các giải thưởng danh giá như “Danh hiệu sản phẩm nông nghiệp Quốc Gia tiêu biểu của năm” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận các năm từ 2014 đến 2017.
Ảnh: Chanh không hạt Bến Lức Long An
Quả chanh không hạt Bến Lức Long An có các tính chất cảm quan đặc thù như: Quả chắc, tuyến múi dày; Vỏ màu xanh đậm, sáng, đều màu, bề mặt chứa nhiều túi tinh dầu. Khối lượng quả: 55 – 77 gram; Chiều dài quả: 5 – 7,5 cm; Đường kính quả: 4 – 6,3 cm. Tỷ lệ dịch quả: 42,6 – 49,9 %; Hàm lượng Vitamin C: 37,3 – 40,5 mg/100g; Hàm lượng acid hữu cơ: 6,6 – 7,8 %; Hàm lượng tinh dầu chanh: 0,21 – 0,24%.
Các tính chất đặc thù của quả chanh không hạt Bến Lức Long An có được là nhờ điều kiện độc đáo về mặt tự nhiên và kỹ thuật trồng của khu vực địa lý. Khu vực chỉ dẫn địa lý có nền nhiệt trung bình hàng tháng từ 26,3 đến 29,7oC; tương đối ổn định trong năm. Thời gian chiếu sáng tại khu vực địa lý dao động từ 7 đến 9,5 giờ/ngày, các tháng mùa khô đạt trị số cao: 222 - 295 giờ/tháng. Khu vực chỉ dẫn địa lý có từ 10 đến 11 tháng có số giờ nắng từ 200 giờ/tháng trở lên. Lượng ánh sáng tại khu vực địa lý xuyên suốt một vòng đời thu hoạch, kích thích tổng hợp chlorophyll và ức chế hoạt động của phytochro, làm đậm màu quả và chậm quá trình biến đổi màu sắc vỏ quả chanh. Hàm lượng vitamin C và hàm lượng acid hữu cơ cao của chanh không hạt Bến Lức Long An liên quan đến cơ chế tăng cường sinh tổng hợp để điều hòa hoạt động sinh lý của quả khi gặp nắng nóng kéo dài. Nền nhiệt cao, số giờ nắng nhiều, thời gian chiếu sáng dài khiến cây chanh không hạt tại khu vực địa lý có xu hướng sản xuất nhiều vitamin và thành phần hợp chất thứ cấp hơn để bảo vệ cây khỏi tác hại gây bất lợi, kháng oxi hóa, điều hòa hoạt động sinh lý của cây.
Điều kiện thổ nhưỡng của khu vực địa lý có kết cấu dạng đất thịt nhẹ, là hỗn hợp của ba loại đất cát, đất phù sa và đất sét; có khả năng giữ nước tốt; đủ độ thoáng khí; giàu chất dinh dưỡng (hàm lượng NH4+ trung bình đạt 5,12 mg/100g); hàm lượng mùn cao, độ acid nhẹ (từ 5,5 đến 6,5). Các tính chất này của đất tại khu vực địa lý giúp ức chế quá trình chuyển đổi từ lục lạp thành chromoplast trong vỏ quả chanh, quá trình biến đổi màu ở vỏ quả sẽ chậm hơn nên chanh không hạt Bến Lức Long An có màu xanh đậm hơn chanh không hạt được trồng ở Bình Dương và Hậu Giang.
Các kỹ thuật trồng trọt độc đáo của người dân tại khu vực địa lý là yếu tố góp phần tạo nên các tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm. Nhân giống bằng phương pháp ghép. Cành ghép được sử dụng từ cây đã được kiểm soát thông qua hồ sơ lý lịch giống và được lấy mẫu đánh giá đạt chất lượng trước khi ghép.
Ngoài quy trình kỹ thuật thông thường, người dân tại khu vực địa lý áp dụng thêm kỹ thuật tỉa cành. Vào đầu mùa mưa (tháng 3 – tháng 4 âm lịch), tiến hành tỉa cành cho cây, tập trung tỉa các cành đan chéo, cành giao tán, cành vượt trên ngọn ở vị trí 2/3 chiều cao của tán cây về hướng Tây. Kỹ thuật này đảm bảo độ thông thoáng của cành và lá, tăng cường khả năng đón nhận ánh sáng của quả chanh không hạt ở hầu hết các vị trí hình thành quả, là nhân tố tác động đến màu sắc vỏ quả chanh (màu xanh đậm) và hàm lượng vitamin C, acid hữu cơ được tích lũy cao hơn chanh không hạt trồng ở Bình Dương và Hậu Giang.
Người dân tại khu vực địa lý tiến hành bón phân hữu cơ một năm 02 lần vào đầu và cuối mùa mưa cho cây, bón từ 5 – 10 kg/gốc/năm (mỗi lần bón từ 2 – 5 kg/gốc). Các loại phân hữu cơ được sử dụng bao gồm: phân chuồng (phân bò, phân gà,…) đã ủ hoai. Bí quyết trong việc bón phân hữu cơ giúp tăng cường hàm lượng chất hữu cơ dễ tiêu (cây có thể trực tiếp sử dụng) trong đất như nitơ, phốt pho, kali,…đặc biệt là hàm lượng NH4+, góp phần tác động đến màu xanh đậm của vỏ quả chanh không hạt Bến Lức Long An. Ngoài ra, sử dụng phân hữu cơ làm thay đổi tính chất vật lý đất trồng, tăng độ xốp và hoạt động của vi sinh vật trong đất, đặc biệt là nấm Micorhiza kí sinh trên trên lớp biểu bì của rễ, tăng cường khả năng hút nước, muối khoáng và các chất hữu cơ cho cây.
Quả chanh không hạt tại khu vực địa lý được thu hoạch từ ngày thứ 120 đến ngày thứ 130 kể từ khi ra hoa. Kỹ thuật thu hoạch sớm tác động đến độ chắc của quả và tuyến múi dày. Quả chanh không hạt Bến Lức Long An có thời gian thu hoạch sớm hơn so với vùng đối chứng, nên có khối lượng quả nhỏ (chỉ từ 55 – 77 gram/quả) và có tuyến múi nhỏ, dày, không căng mọng. Khi thu hoạch quả còn xanh, pectin tồn tại dưới dạng protopectin không hòa tan trong nước, đóng vai trò ổn định hình dạng và tạo sự vững chắc dẫn đến làm tăng độ chắc của quả. Tỷ lệ dịch quả chịu sự ảnh hưởng trực tiếp bởi tuyến múi quả. Chanh không hạt Bến Lức Long An có tuyến múi dày, độ mọng nước tuyến múi thấp nên tỷ lệ dịch quả chứa trong tuyến múi sẽ thấp hơn so với chanh không hạt vùng đối chứng. Hàm lượng tinh dầu trong vỏ quả chanh không hạt Bến Lức Long An có liên quan mật thiết đến cấu tạo bề mặt vỏ và tỷ lệ dịch quả. Bề mặt vỏ chanh không hạt Bến Lức Long An có nhiều các túi chứa tinh dầu (bề mặt vỏ quả gồ ghề do tác động của ánh sáng, tạo điều kiện hình thành các túi tinh dầu). Cùng với đó, độ mọng nước của múi quả chưa cao nên không đủ tác động lực lên bề mặt quả, hầu hết lượng tinh dầu được giữ lại trong các túi tinh dầu ở bề mặt quả.
Khu vực địa lý bao gồm: Thị trấn Bến Lức và các xã An Thạnh, Bình Đức, Long Hiệp, Lương Bình, Lương Hòa, Mỹ Yên, Nhựt Chánh, Phước Lợi, Tân Bửu, Tân Hòa, Thạnh Đức, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi và xã Thanh Phú thuộc huyện Bến Lức; các thị trấn Đức Hòa, Hiệp Hòa, Hậu Nghĩa và các xã An Ninh Đông, An Ninh Tây, Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Thượng, Đức Lập Hạ, Đức Lập Thượng, Hòa Khánh Đông, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Tây, Hựu Thạnh, Lộc Giang, Mỹ Hạnh Bắc, Mỹ Hạnh Nam, Tân Mỹ, Tân Phú và Hiệp Hòa thuộc huyện Đức Hòa; thị trấn Đông Thành và các xã Bình Hòa Bắc, Bình Hòa Hưng, Bình Hòa Nam, Bình Thành, Mỹ Bình, Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Bắc, Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây thuộc huyện Đức Huệ; thị trấn Thạnh Hóa và các xã Thủy Tây, Thủy Đông, Thạnh An, Thuận Bình, Tân Hiệp, Tân Tây, Tân Đông, Thuận Nghĩa Hòa, Thạnh Phú, Thạnh Phước thuộc huyện Thạnh Hóa; thị trấn Thủ Thừa và các xã Long Thạnh, Tân Thành, Long Thuận, Mỹ Lạc, Mỹ Thạnh, Bình An, Nhị Thành, Mỹ An, Bình Thạnh, Mỹ Phú và Tân Long thuộc huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế!
Latest news title
- Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử”
- Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Cục Sở hữu trí tuệ triển khai Chương trình đào tạo và tư vấn quản trị sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam
- Giới thiệu cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin sáng chế Patentscope
- Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng công cụ tra cứu nhãn hiệu Global Brand Database
- Hội thảo khoa học về Sở hữu trí tuệ và Quản lý tài sản trí tuệ tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
Other news
- Thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ về việc tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030” bắt đầu thực hiện từ năm 2024
- Lễ công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong hoa cà phê Gia Lai” và “Thuốc lá lá Krông Pa - Gia Lai”
- Hội thảo “Sử dụng hệ thống Madrid để đăng ký quốc tế nhãn hiệu”
- Hội thảo Thương mại hóa và quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu dành cho thành viên Mạng lưới TISC
- Tăng 2 bậc, Việt Nam xếp thứ 46 chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023