Wed, 20/11/2019 | 08:08 AM

View with font size Read content Change contract

Trung tâm chuyển giao công nghệ trong viện trường: Để đi vào thực chất?

Những chính sách về chuyển giao công nghệ trong trường/viện cần tập trung vào việc hình thành mô hình TTO tốt để nó có thể thực hiện được đầy đủ chức năng của mình...

Những thất bại trong quá khứ của một số trung tâm chuyển giao công nghệ (TTO) tại một số trường đại học cho thấy, để tránh đi vào vết xe đổ đó, những chính sách về chuyển giao công nghệ trong trường/viện cần tập trung vào việc hình thành mô hình TTO tốt để nó có thể thực hiện được đầy đủ chức năng của mình. 

Một dây chuyền sản xuất của Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc – một trong những trung tâm chuyển giao công nghệ lớn nhất Việt Nam hiện nay. Nguồn: MOST
 

Do quá trình đó sẽ diễn ra trong khoảng thời gian dài nên cần có sự kiên nhẫn của các nhà quản lý.

Những TTO bị “bỏ quên”

Không phải ở thời điểm này, khi các hoạt động chuyển giao công nghệ được nhắc đến một cách rầm rộ ở nhiều viện, trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam... thì các trung tâm chuyển giao công nghệ mới được hình thành. Trên thực tế, ngay từ đầu những năm 2000, một số viện, trường ở Việt Nam như Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Dược Hà Nội,... đã thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ (TTO). Trao đổi bên lề hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ dành cho các viện/trường thành viên trong khuôn khổ dự án Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo (EIE)” (diễn ra từ ngày 28 đến 31/10/2019), PGS.TS. Phan Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã nhìn nhận lại quá trình này và nhận xét, “so với tiến trình của các quốc gia khác trên thế giới như Mỹ bắt đầu thành lập TTO từ những năm 1980, Singapore từ những năm 1990 và đầu 2000 như Brazil,... thì chúng ta cũng không bị chậm quá so với thế giới”.

Tuy sớm có TTO nhưng đáng buồn là khi đó, các TTO đều ở cảnh hoạt động không hiệu quả hoặc không đúng chức năng. Đó là câu chuyện ở trường đại học Dược Hà Nội, một ngôi trường có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu về các hoạt chất, các loại dược liệu có khả năng chuyển thành các loại thuốc, thực phẩm chức năng. PGS.TS. Đỗ Quyên, trưởng phòng Quản lý khoa học của trường cho biết, trước đây ban giám hiệu đã thành lập một trung tâm có chức năng tương tự TTO nhưng “mục đích là tiếp nhận kinh phí cho các đề tài nghiên cứu theo quy định lúc đó chứ không phải để thực hiện nhiệm vụ chuyển giao”. Công việc mà trung tâm thực hiện không rõ ràng nên “khi không còn áp dụng quy định về tiếp nhận kinh phí nữa nên trường đã quyết định đóng cửa trung tâm dù việc có được một trung tâm như vậy không hề dễ dàng”, chị cho biết.

Tình cảnh đó cũng lặp lại tại một cơ sở lớn hàng đầu về KH&CN ở Việt Nam như Viện Hàn lâm KH&CN. “Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Viện vẫn chủ yếu tập trung vào phần… nghiên cứu là chính còn phần chuyển giao vẫn còn hạn chế”, PGS.TS. Phan Tiến Dũng cho biết.

Vậy đâu là nguyên nhân chính khiến khiến các TTO vẫn còn loay hoay và không thực hiện đúng mục tiêu như được kỳ vọng? “Là do lúc đó mọi người còn chưa có kinh nghiệm trong hoạt động chuyển giao công nghệ, hơn nữa chưa có được những chính sách hướng dẫn cụ thể như bây giờ nên các viện, trường chưa biết cách làm như thế nào”, PGS.TS. Đỗ Quyên nói. Chị muốn so sánh cái thời còn mò mẫm chưa biết làm gì, chưa biết hỏi ai về các vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ với thời điểm hiện tại, khi những người quan tâm đến chuyển giao như chị và đồng nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) hướng dẫn, được tham gia các khóa học hướng dẫn và được các chuyên gia nước ngoài hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm tại các hội thảo như hội thảo về quản trị tài sản trí tuệ cho các viện trường trong khuôn khổ dự án EIE do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) và trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức.

Mặt khác, các quy định về tổ chức của các TTO vẫn còn chưa rõ ràng: ai là người quản lý, nhân lực của TTO là công chức hay viên chức, nguồn kinh phí đầu tư ở đâu, quy trình hoạt động của nó ra sao.... Đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam bởi với các quốc gia mới bắt đầu phát triển các TTO đều rơi vào trường hợp này. “Ở Đại học Cornell, chúng tôi đã từng tranh cãi TTO sẽ thuộc sự quản lý phó hiệu trưởng về tài chính hay chịu sự quản lý của phó hiệu trưởng về nghiên cứu. Có người cho rằng phó hiệu trưởng tài chính chịu trách nhiệm về các hoạt động đầu tư nên sẽ phù hợp hơn. Sau một khoảng thời gian dài tranh cãi, cuối cùng TTO cũng được đặt dưới sự quản lý của phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu vì việc tạo doanh thu tuy quan trọng nhưng chỉ là một phần, nghiên cứu mới là vấn đề chính cần quan tâm”, ông Richard S. Cahoon, cựu Giám đốc TTO của Đại học Cornell kể lại quá trình loay hoay lúc mới thành lập TTO ở trường, đồng thời đưa nhận xét, “nếu không phân định rạch ròi về thẩm quyền giữa TTO với viện, trường thì có thể dẫn đến rất nhiều vấn đề khúc mắc sau này”.

Cần một quá trình “ươm tạo”

Trong bối cảnh mới, khi hoạt động nghiên cứu của các trường viện đã gia tăng rất nhiều so với trước đây và các nhà nghiên cứu cũng có ý thức nhiều hơn trong vấn đề chuyển kết quả nghiên cứu thành sản phẩm công nghệ, vai trò của các TTO đã được nhìn nhận lại. Vậy để tránh rơi vào vết xe cũ, các TTO cần được hoạt động như thế nào. Với tư cách là một chuyên gia tư vấn chuyển giao công nghệ và từng tham gia thành lập TTO đầu tiên ở Brazil, bà Elizabeth Ritter – một diễn giả tại hội thảo, cho rằng các chính sách của nhà nước là điều cần thiết để thúc đẩy các viện, trường thành lập TTO nhưng “nếu chỉ có mỗi chính sách vĩ mô thì chẳng làm được gì. Điều quan trọng là cần đào tạo nhân lực đủ khả năng điều hành TTO và có hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng TTO”.

Việc đầu tư xây dựng các TTO cần một quá trình dài. Ở những quốc gia có nền công nghiệp phát triển và dẫn đầu trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như Mỹ, Pháp,..., TTO cũng phải mất khoảng 10 năm để có thể tự hoạt động ổn định. Chính phủ cần ý thức điều này, nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng các chính sách về TTO, theo bà Elizabeth Ritter.

Tương tự như Việt Nam, khó khăn lớn nhất mà phần lớn TTO trên thế giới thường gặp phải giai đoạn đầu mới thành lập là thiếu nhân lực có kinh nghiệm để vận hành TTO. “Chúng tôi phải thực hiện mà không có bất cứ hiểu biết nào, điều này rất khó”, ông Cahoon nói. “Chúng tôi phải tìm người vừa có hiểu biết về công nghệ lại vừa hiểu về kinh doanh và làm việc toàn thời gian để vận hành TTO. Cũng như các bạn bây giờ, chúng tôi cũng phải học hỏi những kiến thức đầu tiên về TTO”, ông chia sẻ trong bài giảng về cách xây dựng cơ cấu tổ chức của TTO trong khuôn khổ hội thảo. Trong vòng bốn ngày, ông và các chuyên gia WIPO đã trình bày cặn kẽ về các nội dung: cách lựa chọn người đứng đầu TTO, cơ cấu tổ chức và quản trị của TTO; cách tiếp cận tác giả sáng chế, đánh giá và lựa chọn công nghệ để thương mại hóa; marketing công nghệ; tìm kiếm đối tác nhượng quyền tiềm năng; xây dựng thỏa thuận nhượng quyền, thậm chí những chi tiết nhỏ nhất như cách gọi điện thoại, gửi email cho đối tác, chọn bao nhiêu người đi đàm phán, có nên đưa nhà sáng chế cùng đi đàm phán hay không,… cũng được giải thích kỹ càng.

Các chuyên gia lưu ý, việc đầu tư xây dựng các TTO cần một quá trình dài. Ở những quốc gia có nền công nghiệp phát triển và dẫn đầu trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như Mỹ, Pháp,... TTO cũng phải mất khoảng 10 năm để có thể tự hoạt động ổn định, bà Ritter cho biết. “Chính phủ cần ý thức điều này bởi đôi khi họ lầm tưởng rằng chỉ cần có TTO là đảm bảo được hoạt động chuyển giao công nghệ của các viện, trường – điều này sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng các chính sách về TTO”.

Ngoài ra, quá trình đầu tư TTO thành công nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nhân lực khoa học và môi trường công nghiệp của mỗi nước. “Khi có nhiều nhà nghiên cứu mạnh, bạn đã có nguồn lực chính để thành lập TTO”, bà Ritter nhận xét. Bên cạnh đó, nhu cầu đổi mới và sáng tạo của các doanh nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các TTO. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy ở các quốc gia như Mỹ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,... - có số lượng các nhà nghiên cứu cao và nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ nên đã tạo ra thị trường công nghệ với nguồn cung – cầu lớn.

Ở các quốc gia có nền KH&CN phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Đức,... văn phòng chuyển giao công nghệ (TTO) được coi là giải pháp hiệu quả để thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các viện, trường. Mỗi viện, trường sẽ có một TTO “đồng hành” với nhà nghiên cứu từ “A đến Z” quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu: từ tiếp nhận sáng chế - đánh giá tiềm năng - nộp đơn bảo hộ - tìm kiếm đối tác - soạn thảo hợp đồng. “Phần lớn hoạt động chuyển giao công nghệ ở các viện trường trên thế giới đều được thực hiện thông qua TTO”, bà Yumiko Hamano, chuyên gia tư vấn về sở hữu trí tuệ ở WIPO cho biết.

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

PV: Thanh An

Liên kết nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/trung-tam-chuyen-giao-cong-nghe-trong-vien-truong-de-di-vao-thuc-chat/20191107094112607p1c785.htm