Tue, 02/02/2021 | 10:00 AM

View with font size Read content Change contract

Tình hình xử lý đơn đăng ký sáng chế năm 2020

Năm 2020, trong khi số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích của các chủ thể nước ngoài nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ giảm 2% so với năm 2019 thì số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích của các chủ thể Việt Nam tăng 35% so với năm 2019. Đặc biệt, số văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp năm 2020 tăng 57,3% so với năm 2019.

Năm 2020, mặc dù bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, số lượng đơn đăng ký sáng chế nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn tăng so với năm 2019. Cụ thể, năm 2020 Cục SHTT đã tiếp nhận 8368 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, tăng khoảng 3,1% so với năm 2019. Trong khi số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích của các chủ thể nước ngoài giảm 2% thì số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích của các chủ thể Việt Nam tăng 35% (1505 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích năm 2020 so với 1115 đơn năm 2019). Điều này chứng tỏ rằng nhu cầu và nhận thức về việc bảo vệ quyền đối với sáng chế của các tổ chức và cá nhân trong nước đã có sự gia tăng đáng kể. Đây cũng là kết quả từ các nỗ lực của Cục SHTT trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tập huấn kỹ năng tra cứu thông tin và viết bản mô tả sáng chế cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu.

Với mục tiêu đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội, Cục SHTT đã triển khai nhiều giải pháp để tăng năng suất xử lý đơn sáng chế. Cục đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế năm 2010 để phù hợp với các quy định pháp luật mới và bổ sung nội dung liên quan đến thẩm định yêu cầu sửa đổi/chuyển giao đơn, cụ thể hóa trách nhiệm của các chức danh trong quy trình thẩm định đơn. Trung tâm Thẩm định Sáng chế (Cục SHTT) đã thống nhất sử dụng các mẫu công văn trong quá trình thẩm định đơn để đơn giản hóa và chuẩn hóa quy trình thẩm định đơn.

Để nâng cao chất lượng thẩm định sáng chế, Cục đã cung cấp đầy đủ các công cụ tra cứu, tổ chức các buổi tọa đàm, các buổi tham quan thực tế để trao đổi kinh nghiệm chuyên môn và cập nhật kiến thức về các lĩnh vực công nghệ mới cho thẩm định viên. Tọa đàm "Hoàn thiện Quy chế thẩm định và xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng thẩm định đơn đăng ký sáng chế" đã được Trung tâm Thẩm định Sáng chế (Cục SHTT) tổ chức vào tháng 6.2020 nhằm chia sẻ các giải pháp để nâng cao năng suất và đảm bảo chất lượng thẩm định đơn đăng ký sáng chế. Nhằm nâng cao năng lực thẩm định và kiến thức chuyên sâu về công nghệ mới cho thẩm định viên sáng chế và cán bộ các đơn vị trong Cục, khóa đào tạo chuyên sâu về “Xu hướng phát triển công nghệ ứng dụng trên ô tô, xe máy” đã được tổ chức ngày 08 - 09 tháng 9 năm 2020 tại trụ sở Cục SHTT...

 

Tọa đàm “Hoàn thiện Quy chế thẩm định và xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng thẩm định đơn đăng ký sáng chế”, tháng 6 năm 2020

 

Giảng viên Trường đại học Bách Khoa Hà Nội giảng bài tại khóa đào tạo chuyên sâu về “Xu hướng phát triển công nghệ ứng dụng trên ô tô, xe máy

Kết quả, trong năm 2020, số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được kết thúc thẩm định nội dung (từ chối hoặc cấp bằng) là 7155 đơn (tăng khoảng 16,1% so với năm 2019). Đặc biệt, số văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp năm 2020 tăng 57,3% so với năm 2019. Trong giai đoạn thẩm định hình thức, có 7842 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được chấp nhận đơn hợp lệ (tăng khoảng 7,15% so với năm 2019). Có tổng số 450 yêu cầu sửa đổi/chuyển giao đơn đăng ký sáng chế được ghi nhận (tăng 59% so với cùng kỳ năm 2019).

Trong khuôn khổ Chương trình RPEM giai đoạn II mở rộng, Cục SHTT đã giao Trung tâm Thẩm định sáng chế triển khai xây dựng Sổ tay hướng dẫn thẩm định và nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng thẩm định sáng chế.

Trong năm 2021, Trung tâm Thẩm định Sáng chế (Cục SHTT) quyết tâm phát huy tính chủ động và sáng tạo trong công việc, triển khai đồng bộ các giải pháp với mục tiêu rút ngắn thời gian thẩm định và nâng cao chất lượng thẩm định đơn đăng ký sáng chế, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế-xã hội.

Trung tâm Thẩm định Sáng chế