Fri, 08/10/2021 | 09:30 AM
“Giấy thông hành” vào thị trường khó tính của thanh long Bình Thuận
Ngày 07/10/2021, sau gần 03 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ ba chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận, cà-phê Buôn Ma Thuột) tại Nhật Bản, Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Thanh long Bình Thuận" với số đăng ký 110. Đây là nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Việc bảo hộ tại thị trường khó tính như Nhật Bản đã mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Việt Nam ở nhiều thị trường khác, đặc biệt là những "thị trường khó tính. Từ đây cũng cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu.
Thông tin công bố về chỉ dẫn số 110 của Nhật Bản cấp cho sản phẩm thanh long Bình Thuận, đăng tải tại Cổng thông tin của Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản tại địa chỉ: https://www.maff.go.jp/j/shokusan/gi_act/register/110.html
Vai trò của Cục Sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy, hỗ trợ đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận
Quả thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa vào ngày 15 tháng 11 năm 2006 theo Quyết định số 786/QĐ-SHTT. Ngày 8 tháng 7 năm 2011, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND kèm theo Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long.
Hiện Thanh long Bình Thuận đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ là chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT, hình” đã đăng ký và được bảo hộ tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan…
Câu chuyện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản là một câu chuyện dài và thú vị, giúp Cục Sở hữu trí tuệ thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác hỗ trợ đưa các đặc sản địa phương của Việt Nam vươn ra thế giới, giúp cho các đặc sản vùng miền gắn với các địa danh của Việt Nam được bảo hộ bằng một cơ chế bảo hộ tương đối mạnh - bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, có thể nói Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai nhiều giải pháp để góp phần đem lại thành công cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận ở Nhật Bản. Vốn nổi tiếng là một thị trường khó tính, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản chắc chắn sẽ vô cùng phức tạp. Vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện việc hỗ trợ qua hai con đường: hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản và tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy nhanh quá trình này.
Trong Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản giữa Thủ tướng của hai nước trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 6 năm 2017. Tuyên bố chung có nội dung “…sẵn sàng nỗ lực tạo thuận lợi về thủ tục cho phép xuất khẩu cam, quýt Nhật Bản vào Việt Nam và quả vải, nhãn Việt Nam vào Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý”. Tiếp đó, một cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, có thể coi là có tính chất mở đường cho việc nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận vào Nhật Bản, là Bản ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý giữa Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Cục Công nghiệp thực phẩm (Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản), theo đó, hai bên cam kết thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý hai nước, và trên cơ sở Bản ghi nhớ, hai bên đã trao đổi, đề xuất lựa chọn mỗi bên 3 sản phẩm để tiến hành nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nước còn lại. Thanh long Bình Thuận nằm trong số 3 sản phẩm của Việt Nam được lựa chọn, dựa trên tiêu chí danh tiếng, thị trường tiêu thụ, sự quan tâm của chính quyền địa phương, và sản phẩm có hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.
Bên cạnh việc tạo dựng cơ sở pháp lý, thông qua Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68), Cục Sở hữu trí tuệ đã hỗ trợ việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận vào Nhật Bản. Tiến trình kéo dài gần ba năm và thực sự là một quá trình khó khăn. Ngoài lý do khác biệt về pháp luật bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa hai quốc gia, hồ sơ thanh long Bình Thuận vướng phải nhiều khó khăn về các thông số kĩ thuật của hồ sơ đơn và khó khăn về năng lực tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.
Quá trình bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản
Việc đăng ký dự kiến lúc đầu là bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho ba sản phẩm: vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột, nằm trong chương trình hợp tác giữa Bộ KH&CN với Bộ Nông, Lâm và ngư nghiệp Nhật Bản. Hai bộ này giao cho Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) và bên kia là Cục Công nghiệp thực phẩm của Nhật phối hợp với nhau, mỗi bên chọn ra ba sản phẩm để đăng ký bảo hộ chéo cho nhau.
Trong quá trình đó, việc đăng ký các sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được bảo hộ ở Nhật Bản gặp một số khó khăn. Trong đó có thể kể đến tiêu chí, tiêu chuẩn và các quy định kỹ thuật của họ rất chi tiết và tương đối cao đối với chúng ta. Cái khó nhất trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký là yêu cầu chứng minh lịch sử sản xuất sản phẩm (chứng minh đặc tính của sản phẩm được tạo ra từ phương pháp sản xuất đã được duy trì ổn định trong ít nhất 25 năm).
Để đẩy nhanh tiến độ và đáp ứng các yêu cầu đề ra, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận đã làm việc với các cơ quan Trung ương, các ngành, đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện các tiêu chí, đã bổ sung tài liệu chứng minh, đồng thời tìm kiếm các tài liệu chứng minh lịch sử sản xuất sản phẩm, theo đó, cuốn “Cây thanh long” NXB Nông nghiệp TP.HCM năm 1997 của PGS.TS Nguyễn Văn Kế được xác định sử dụng làm tài liệu bổ trợ. Ngoài ra, sau khi thống nhất với phía Nhật Bản về việc lựa chọn đơn vị phân tích đặc tính của sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận đã ký hợp đồng với Phân viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch thành phố Hồ Chí Minh cập nhật lại dữ liệu về đặc tính sản phẩm và bổ sung các thông tin về danh tiếng (thông qua khảo sát các tác nhân thương mại như thương lái, người bán buôn, bán lẻ, người tiêu dùng) và phân tích cụ thể hơn mối tương quan giữa đặc tính sản phẩm và các điều kiện địa lý tự nhiên (tương quan giữa đặc tính và điều kiện địa lý tự nhiên cũng như phương pháp sản xuất).
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một yếu tố quan trọng để gõ cửa thị trường khó tính này nhưng đó mới chỉ là bước đi đầu tiên...
Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.
Cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, việc cấp chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận có ý nghĩa rất lớn đối với việc xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản nói riêng và các nước nói chung. Ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị “đánh cắp” khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thường có giá bán cao hơn thông thường và được người dân nơi đây ưa chuộng vì “họ hiểu rẳng, các sản phẩm này đã được MAFF đứng ra bảo đảm chất lượng, do vậy, họ sẽ tin tưởng và sẵn sàng mua sản phẩm đó hơn”.
Cần phải nhấn mạnh rằng, việc thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản, mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận đến với thị trường Nhật Bản. Đã, và sẽ cần rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía, nhiều cấp, Bộ, Ngành, để thanh long Bình Thuận tiếp tục giữ vững được thị trường khó tính này, đồng thời mở rộng hơn nữa chỗ đứng của mình.
Bên cạnh đó, các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bình Thuận. Khó khăn lớn nhất phải kể đến, là việc nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, Hiệp hội thanh long Bình Thuận. Tiếp đó, nhận thức của người nông dân, nhằm tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất thanh long, đảm bảo đặc tính của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu thanh long sang Nhật như đã đăng ký, cũng cần được nâng cao và liên tục giám sát.
Cuối cùng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước và Hiệp hội, đảm bảo thông tin đầy đủ, xuyên suốt, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời người trồng thanh long, sẽ góp phần đảm bảo sự vào cuộc đồng bộ, đảm bảo chất lượng quả thanh long, xúc tiến thương mại quả thanh long ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cục Sở hữu trí tuệ
Latest news title
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025