Sat, 23/10/2021 | 10:17 AM
Cốm tiền liệt thanh giải: Hướng điều trị mới cho phì đại tiền liệt tuyến
Từ những thảo dược dễ dàng tìm thấy trong tự nhiên, GS.TS Trần Hữu Dàng và cộng sự tại Trường Đại học Y Dược Huế đã nghiên cứu, bào chế được sản phẩm hỗ trợ điều trị hiệu quả cho bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt, có thể dùng cho người bị tiểu đường, mở ra một hướng đi mới cho việc điều trị căn bệnh mãn tính này.
Từ bài thuốc cổ truyền Tứ diệu phương
Phì đại tuyến tiền liệt lành tính là căn bệnh mãn tính do rối loạn nội tiết và phổ biến ở nam giới từ 80 tuổi trở lên và đang ngày càng trẻ hóa.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Tân – ĐH Y dược Huế, để điều trị căn bệnh mãn tính này có thể sử dụng y học hiện đại hoặc y học cổ truyền. Tuy nhiên phải điều trị lâu dài, sử dụng thuốc thường xuyên.
“Ngay cả sau khi phẫu thuật, tuyến tiền liệt vẫn có thể bị phì lại”- PGS.TS Nguyễn Thị Tân cho biết, là những người nghiên cứu về y học cổ truyền lâu năm, nhóm nghiên cứu tại ĐH Y dược Huế nhận thấy rằng việc sử dụng các thảo cho hiệu quả tốt. Trong đề tài luận án tiến sỹ của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Tân đã nghiên cứu và cho ra đời bài thuốc “Tiền liệt thanh giải” từ bài thuốc cổ phương “Tứ diệu hoàn” được tìm thấy trong tác phẩm cổ “Thành phương tiện độc”. Vốn là bài thuốc dùng để điều trị các trường hợp rối loạn tiểu tiện với các vị thuốc Hoàng Bá, Thương truật, Ý dĩ nhân, Ngưu tất, PGS.TS Tân đã bổ sung thêm nhiều vị thuốc khác như Đan sâm, Vương bất lưu hành, Bạch hoa xà thiệt thảo, Hồng hoa dể trở thành bài thuốc điều trị bệnh phì đại tuyến tiền liệt lành tính.
Bài thuốc được PGS.TS Tân nghiên cứu từ năm 2014 đến năm 2018 thì công bố. Theo bà, bệnh nhân sử dụng sản phẩm trong vòng một tháng thì dòng tiểu được cải thiện, các triệu chứng bệnh thuyên giảm, sức khỏe ổn định.
Tuy nhiên, theo nhận định GS.TS Trần Hữu Dàng và các cộng sự, do kỹ thuật bào chế đơn giản, sử dụng dung môi chiết là nước nên cốm tiền liệt thanh giải do PGS.TS. Nguyễn Thị Tân và các cộng sự nghiên cứu phát triển trong đề tài nghiên cứu luận văn tiến sỹ vẫn còn một số hạn chế. Như còn nhiều tạp chất, một số hoạt chất có tác dụng dược lý không hòa tan trong nước nhưng không chiết được. Thêm vào đó, việc sử dụng sacaroza làm tá dược tan nên lượng thuốc bệnh nhân phải uống khá nhiều (120 gram mỗi ngày). Hơn nữa thuốc không dùng được cho bệnh nhân bị đái tháo đường.
PGS.TS Nguyễn Thị Tân chia sẻ: “Những người có tuổi, chức năng hệ bài tiết đã suy giảm nên việc phải sử dụng lượng thuốc nhiều sẽ không tốt. Thêm vào đó, có nhiều người bệnh vừa bị phì đại tuyến tiền liệt vừa bị đái tháo đường. Vì thế, việc tối ưu hóa quá trình bào chế là cần thiết để bài thuốc có thể phát huy hiệu quả”.
Trong đó, nhóm nghiên cứu của GS.TS Trần Hữu Dàng và cộng sự đã sử dụng dung môi etanol để chiết được các hoạt chất vừa có tác dụng dược lý vừa để đảm bảo chất lượng, hạn chế tạp chất. Nhóm nghiên cứu cũng có thay đổi so với bài thuốc Tiền liệt thanh giải trước đó mà PGS.TS Nguyễn Thị Tân thực hiện để sản phẩm thu được có thể sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường.
Chủ trị của bài thuốc Tiền liệt thanh giải là hoạt huyết hóa ứ, thanh thấp nhiệt, thông lợi bàng quang, bổ thận, phù hợp để điều trị các triệu chứng và cả nguyên nhân gây phì đại tuyến tiền liệt lành tính. Trong nghiên cứu mới do GS.TS Trần Hữu Dàng là chủ nhiệm, nhóm nghiên cứu đã thêm vào bốn vị thuốc mới là hồng hoa, đam sâm, bạch hoa xà thiệt thảo, Vương bất lưu thành (quả xộp, trâu cổ) giúp tăng cường hoạt huyết, hóa ứ, tiêu khối u, bồi bổ chức năng thận, giúp thông lợi tiểu tiện. Đan sâm có tác dụng dưỡng tâm an thần, rất phù hợp dùng cho người cao tuổi hay bị mất ngủ, khó ngủ.
“Quá trình nghiên cứu mất thời gian dài và cần nhiều công sức. Chúng tôi đã phải mày mò từ các sách y dược cổ truyền đến các nghiên cứu hiện đại để tìm ra được vị thuốc phù hợp với bài thuốc này. Đó là quá trình công phu và gian khổ kéo dài nhiều năm “- PGS.TS. Nguyễn Thị Tân chia sẻ.
Hiệu quả trội hơn thuốc hiện đại
Từ các vị thuốc trên, nhóm nghiên cứu thực hiện qua các quy trình phơi khô, rửa sạch, cắt nhỏ, rồi đưa vào hệ thống chiết cô tuần hoàn ở áp suất giảm và ngâm toàn bộ bằng dung môi etanol theo tỷ lệ 1:5 trong nhiệt độ thích hợp rồi cô đặc dung dịch thu được và đem đi sấy khô trong điều kiện thích hợp. Chế phầm thu về được đem đi nghiền mịn thành cốm.
Gói cốm tiền liệt thanh giải - kết quả của nhóm nghiên cứu. Nguồn: NVCC
Theo PGS. Tân, chế phẩm mới thu được đạt được toàn bộ mục tiêu ban đầu nhóm nghiên cứu đề ra. Thay vì phải uống 120 gram thuốc như sản phẩm từ nghiên cứu cũ, người bệnh chỉ cần sử dụng 9 gram x 2 lần mỗi ngày. Chế phẩm thu được có hoạt chất oleanolic và axit ursolic có tác dụng làm giảm khối u tuyến tiền liệt lành tính. Nhờ việc sử dụng Lactoza trong quá trình điều chế nên chế phẩm có thể sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Tân, khi tiến hành nghiên cứu này, nhóm đã cân nhắc tới việc sản xuất thành viên nang thay dạng cốm. Viên nang tiện lợi hơn để người bệnh mang theo hoặc khi sử dụng. Tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Thị Tân, người bệnh khi sử dụng sẽ hoà tan cốm vào nước để uống. Nước được đưa vào ruột được hấp thụ vào máu nhanh, không mất thời gian tiêu hóa. Nếu là viên nang cứng, dạ dày mất thời gian để rã thuốc và có thể gây khó tiêu, nhất là khi bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt đều đã có tuổi, bộ máy tiêu hóa bắt đầu suy giảm chức năng.
Cốm tiền liệt thanh giải được 200 bệnh nhân nam trên 50 tuổi có biểu hiện rối loạn tiểu tiện, điều trị tại tại Khoa Nội tổng hợp và Lão khoa Bệnh viện Trung ương Huế, Phòng Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, Bệnh viện trường Đại học Y dược Huế, tự nguyện tham gia nghiên cứu, thời gian từ tháng 12/2012 đến 6/2016.
Nhóm nghiên cứu thu về kết quả khá tốt, 96.15% bệnh nhân giảm triệu chứng sau hai tháng sử dụng. Tổng điểm triệu chứng tuyến tiền liệt quốc tế IPSS giảm từ 24 xuống còn 4,56 với bệnh nhân có mức độ rối loạn tiểu tiện nặng. Điểm chất lượng cuộc sống cũng giảm từ 15,4% với bệnh nhân ở mức độ nặng xuống còn 0% và bệnh nhân ở mức độ nhẹ tăng từ 0% lên 94,6%. Lưu lượng nước tiểu trung bình tăng từ 3,33 ± 1,61ml/s lên 8,01±2,48 ml/s. Thể tích nước tiểu tồn dư giảm từ 51,12±19,12ml xuống còn 9,26±1,64ml.
Những bệnh nhân sử dụng cốm tiền liệt thanh giải. Thể tích tuyến tiền liệt cũng giảm 79% sau hai tháng điều trị.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Tân, trong nhóm nghiên cứu cũng có hai bác sỹ ngoại khoa cùng tham gia nghiên cứu. “Nếu khối u quá to, các bác sỹ thường phải mổ. Tuy nhiên khối u có thể tăng kích thước trở lại nên các bác sỹ ngoại khoa không cho rằng đây là phương pháp tối ưu để điều trị căn bệnh này. Họ ủng hộ việc sử dụng y học cổ truyền để khắc phục các nhược điểm của y học hiện đại”.
Quan trọng hơn, trong 130 bệnh nhân sử dụng cốm tiền liệt thanh giải không có bệnh nhân nào có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, chóng mặt di ứng hay mất ngủ. Không chỉ vậy, một số bệnh nhân còn cải thiện tình trạng sinh lý sau khi mắc bệnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Tân, quy trình bào chế đã nhận được sự quan tâm của một công ty dược để thương mại hóa quy trình sản xuất cốm tiền liệt thanh giải.
“Chúng tôi đang bàn bạc về phương thức hợp tác. Tôi nghĩ rằng nhóm cần có những điều chỉnh nhất định về quy trình để phù hợp giữa bào chế trong môi trường phòng thí nghiệm với quy mô sản xuất công nghiệp” – PGS.TS Nguyễn Thị Tân cho biết.
Quy trình bào chế chế phẩm dạng cốm dùng để điều trị phì đại tuyến tiền liệt lành tính của GS.TS Trần Hữu Dàng và các cộng sự đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002707 được công bố vào ngày 25/9/2021.
Bích Ngọc
(Bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học và Phát triển)
Latest news title
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Other news
- Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới ra mắt dịch vụ hỗ trợ nộp đơn trực tuyến đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid
- Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới ra mắt dịch vụ tra cứu mới dành cho nhà đổi mới sáng tạo
- Hội thảo trực tuyến Khởi động Chương trình Cố vấn từ xa hỗ trợ thương mại hóa Công nghệ và Tài sản trí tuệ
- Mời tham quan Triển lãm trực tuyến của WIPO với chủ đề “Sở hữu trí tuệ cho một thế giới khỏe mạnh hơn”
- Chức năng tìm kiếm mới của dịch vụ tra cứu PATENTSCOPE để hỗ trợ nỗ lực đổi mới sáng tạo trong đại dịch COVID-19