Fri, 19/05/2017 | 11:40 AM
Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại học Quốc gia Hà Nội ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2017-2020
Chiều 16/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2017-2020...
Chiều 16/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh và Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) Nguyễn Kim Sơn đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai bên giai đoạn 2017-2020 với 5 nội dung lớn.
Chương trình phối hợp nhằm mục đích thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013; tăng cường sự phối hợp giữa hai bên để thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; góp phần phát triển ĐHQGHN trở thành đại học nghiên cứu hàng đầu trong khu vực ASEAN và là tổ chức KH&CN mạnh hàng đầu của cả nước. Lễ Ký kết phối hợp hoạt động song phương là một trong nhiều hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ 4.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn ký kết Chương trình phối hợp công tác
KH&CN luôn song hành cùng các hoạt động đào tạo
Theo Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, những năm qua, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN, Chiến lược phát triển KH&CN quốc gia đến 2020, Chỉ thị 16/CT-CP về chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bên cạnh việc phát huy truyền thống trong nghiên cứu khoa học cơ bản và tập trung đầu tư nghiên cứu vào các lĩnh vực khoa học mũi nhọn, ĐHQGHN đã chú trọng phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng gắn với doanh nghiệp, hướng tới khởi nghiệp, theo phương châm “KH&CN là động lực phát triển đại học nghiên cứu và hướng tới tự chủ và xếp hạng đại học từ các kết quả khoa học mới, sản phẩm khoa học mới, chương trình đào tạo mới có chất lượng và gắn với nhu cầu thực tiễn”.
ĐHQGHN luôn xác định hoạt động KH&CN luôn song hành cùng các hoạt động đào tạo, và đây là những hoạt động then chốt của cơ sở giáo dục đại học. Giảng viên của ĐHQGHN đồng thời là nhà khoa học.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển KH&CN hướng tới việc xây dựng ĐHQGHN thành đại học nghiên cứu đồng thời là một hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐHQGHN đang quản lý và tổ chức các hoạt động KHCN theo mô hình 4P.
Thứ nhất, quản trị theo mục tiêu “P - Purpose” - mục tiêu chiến lược, mục tiêu của kế hoạch và chỉ số của các xếp hạng. Thông qua cách quản lý mục tiêu này sẽ phát hiện được điểm yếu, điểm mạnh, từ đó có kế hoạch đầu tư trúng và đúng. Thực tế, ĐHQGHN đã đạt chỉ tiêu vào nhóm 150 đại học hàng đầu châu Á theo bảng xếp hạng QS vào năm 2016 và hiện nay đang tiếp tục hướng tới mục tiêu vào nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á năm 2020 của bảng xếp hạng này.
Thứ hai, quản trị có sự ưu tiên “P - Priority”. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, nếu phát triển trải rộng sẽ không đảm bảo được hiệu quả, do đó cần phải có ưu tiên. Để đảm bảo chiến lược phát triển KH&CN bền vững và có hiệu quả, đồng thời phát huy tối đa thế mạnh của các nguồn lực sẵn có, ĐHQGHN đã và đang ưu tiên đầu tư theo một số chương trình KH&CN trọng điểm như: Nghiên cứu định vị và phát triển khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam; Nghiên cứu khoa học tính toán tin – sinh – dược; Công nghệ và linh kiện micro-nano; Tích hợp và phát triển bền vững các nguồn năng lượng tái tạo; Nghiên cứu địa môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; Kinh tế học vĩ mô và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập quốc tế của Việt Nam; và mạch tích hợp ứng dụng trong các hệ thống đo lường, điều khiển, viễn thông và y tế; …
Nhằm phát triển tiềm lực KH&CN, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, ĐHQGHN đã thành lập 8 phòng thí nghiệm trọng điểm, trong đó có 1 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia và 7 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQGHN với mô hình đồng giám đốc là một nhà khoa học của ĐHQGHN và một nhà khoa học nước ngoài có uy tín, tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực khoa học.
Thứ ba là quản trị theo sản phẩm đầu ra “P – Product”. Đội ngũ cán bộ khoa học của ĐHQGHN đã thiết lập và phát triển văn hóa công bố quốc tế trên các tạp chí có uy tín thuộc hệ thống ISI và Scopus và đề ra mục tiêu năm 2017, ĐHQGHN có 500 bài báo được công bố trên các tạp chí này. ĐHQGHN quan tâm đến các kết quả nghiên cứu gắn với sở hữu trí tuệ và đến nay có tổng số hơn 20 kết quả được cấp bằng sáng chế/giải pháp hữu ích, trong đó có hướng đến các sản phẩm hoàn thiện, sắc sảo và độc đáo để có thể chuyển giao cho doanh nghiệp và ứng dụng trong thực tiễn.
Mô hình phòng thí nghiệm trọng điểm có đồng giám đốc đã bước đầu phát huy hiệu quả trong việc thiết kế các chương trình nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn. Theo đó, đã nghiên cứu giải mã bản đồ gen người Việt; chế tạo vi mạch mã hóa video lần đầu tiên tại Việt Nam làm nền tảng cho thế hệ chip mới liên quan đến công nghệ IOT (Internet of Things); Nghiên cứu và chế tạo cảm biến đo từ trường có thể giải quyết được bài toán đo, vẽ bản đồ trên biển Đông; Mô phỏng động lực học phân tử cho thiết kế thuốc; Phát triển công nghệ sạch sản xuất nhiên liệu Biodiesel từ dầu mỡ phế thải đồng thời tách chiết được vitamin E và omega, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cuối cùng, “P – people/ partner” - nguồn lực con người, bao gồm đội ngũ cán bộ ĐHQGHN và các đối tác cũng như các bên liên quan. ĐHQGHN hiện là đại học có một lực lượng hùng hậu cán bộ khoa học trình độ cao, năng lực tốt và là nơi luôn có các chính sách tốt, thu hút các nhà khoa học nước ngoài về ĐHQGHN làm việc.
Phối hợp triển khai các Chương trình phát triển khoa học cơ bản
Theo Chương trình hợp tác, hai bên sẽ phối hợp triển khai các Chương trình phát triển khoa học cơ bản; lựa chọn, hình thành và đầu tư phát triển một số tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng thuộc ĐHQGHN đạt trình độ khu vực và thế giới, đủ khả năng giải quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020.
Hai cơ quan cùng phối hợp triển khai “Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2018 (Quyết định số 1746/QĐ-BKHCN ngày 28/6/2013 của Bộ trưởng Bộ KH&CN).
Đồng thời, phối hợp triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ ứng dụng và đổi mới công nghệ ở ĐHQGHN để làm chủ công nghệ, góp phần phát triển sản phẩm quốc gia và sản phẩm công nghệ cao theo Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia (Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ).
Bộ KH&CN hỗ trợ ĐHQGHN triển khai các hoạt động về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp” và Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Triển khai thực hiện “Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Hai bên cũng sẽ phối hợp tổ chức triển khai kịp thời các nhiệm vụ đột xuất đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Tại buổi lễ, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, bên cạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu với các đối tác nước ngoài, ĐHQGHN cũng có nhiều ký kết thỏa thuận hợp tác với các tỉnh/thành, doanh nghiệp lớn nhằm nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm KH&CN. “Các hoạt động KH&CN của ĐHQGHN đã gắn kết chặt chẽ với thực tiễn nhằm giải quyết các vấn đề cuộc sống đang đặt ra, gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Giám đốc chia sẻ.
Giám đốc Nguyễn Kim Sơn mong rằng ĐHQGHN sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là của Bộ KH&CN và sự hợp tác có hiệu quả của các địa phương, doanh nghiệp để ĐHQGHN trở thành trung tâm khởi nghiệp, kết nối các hoạt động KH&CN trong và ngoài nước, xứng đáng với tiềm năng và vị thế của một đại học nghiên cứu hàng đầu đất nước.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá cao những thành tựu của ĐHQGHN
Phát biểu tại buổi Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã gửi lời chúc mừng tới các giáo sư, nhà khoa học nhân Ngày KH&CN Việt Nam (18 – 5). Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của KH&CN và những đóng góp của các nhà khoa học, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp,…
Bộ trưởng cho biết, giai đoạn hiện nay, cả nước đang ưu tiên, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên sang nền kinh tế chủ yếu dựa vào KH&CN. Bộ KH&CN đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đưa tinh thần Nghị quyết số 20/NQ-TW về phát triển KH&CN, đặc biệt là việc triển khai các yêu cầu về hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nêu tại các nghị quyết của Chính phủ.
Bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao những thành tựu của ĐHQGHN trong các hoạt động, xứng đáng với vị thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ lớn và có uy tín của Việt Nam, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh mong rằng ĐHQGHN sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và thế mạnh để cùng Bộ KH&CN phối hợp triển khai các nhiệm vụ KHCN một cách hiệu quả, góp phần vào sự phát triển đất nước.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng đánh giá cao mục tiêu và những nội dung trong bản thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ các hoạt động cũng như thúc đẩy việc phát triển các nghiên cứu gắn với doanh nghiệp, với nhu cầu xã hội. Cùng với đó, sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan của Bộ KH&CN trong việc phối hợp với ĐHQGHN.
Trong khuôn khổ chuỗi những hoạt động nhân ngày KH&CN năm 2017, đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN cùng Lãnh đạo ĐHQGHN đã cắt băng khánh thành Tòa nhà Ươm tạo tài năng và Hỗ trợ khởi nghiệp, ĐHQGHN - một không gian dành riêng cho các hoạt động chuyển giao, giám định, ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp...
Lãnh đạo Bộ KH&CN cùng Lãnh đạo ĐHQGHN cắt băng khánh thành Tòa nhà Ươm tạo tài năng và Hỗ trợ khởi nghiệp, ĐHQGHN
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
Latest news title
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Other news
- Khai trương Điểm truy cập mở Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia
- Cục trưởng Đinh Hữu Phí tiếp xã giao Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCharm)
- Việt Nam tham dự Hội nghị Lãnh đạo các Cơ quan Sở hữu trí tuệ khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Iran
- Sử dụng Biểu đồ sáng chế (Patent map) để phân tích về công nghệ chiếu sáng LED
- Tài liệu tham khảo: Quy chế chung về Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu của các nước ASEAN