Fri, 17/07/2020 | 13:34 PM
Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "An Thịnh" cho sản phẩm tỏi
Ngày 10 tháng 7 năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2653/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00082 cho tỏi An Thịnh. Ủy ban nhân dân huyện Lương Tài là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
“An Thịnh” là tên một xã thuộc huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Theo các già làng và người cao tuổi tại An Thịnh kể lại, cây tỏi đã được trồng từ lâu trên vùng đất An Thịnh, trong đó sớm nhất là trên đất thôn An Trụ. Cây tỏi là cây màu truyền thống lâu đời được người dân trồng trên đất An Thịnh từ thế hệ này qua thế hệ khác, có các đặc tính khác biệt nhờ điều kiện địa lý độc đáo của vùng đất này.
Tỏi An Thịnh có thân và củ có màu tía, để khô có màu kem nhạt; trọng lượng: 13 – 15 g/củ; đường kính: 3,5 - 4,0 cm; chiều cao: 2,54 - 3,27 cm; vỏ củ mỏng; rễ củ ngắn. Củ rất chắc với số lượng tép tỏi từ 6 đến 15 tép/củ. Tỷ lệ phần ăn được: từ 92 – 95%. Mùi thơm đặc trưng, cay nồng.
Về mặt chất lượng, tỏi An Thịnh có hàm lượng Allicin: từ 6,01 - 15,67 mg/g; hàm lượng Tro thô: từ 0,8 - 1,24%; hàm lượng Polyphenl tổng số: từ 595,15 - 755,00 mg/kg; hàm lượng Selenium: từ 648,15 - 763,60 mg/kg; hàm lượng chất khô hòa tan (độ Brix): từ 21,00 - 31,80%; hàm lượng vitamin C: từ 90,45 - 136,72 mg/kg; hàm lượng dầu bay hơi: từ 0,77 – 0,83%; hàm lượng hợp chất Lưu huỳnh hữu cơ bay hơi: từ 0,53 – 0,61%.
Các tính chất đặc thù của tỏi An Thịnh có được là nhờ các điều kiện độc đáo của khu vực địa lý nằm trọn trong xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Khu vực địa lý có khí hậu phân thành 2 mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10. Nhiệt độ trung bình năm 23,4 0C, nhiệt độ trung bình từ tháng 10 đến tháng 3 từ 15 – 22 0C. Thời tiết lạnh và khô trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 là điều kiện thuận lợi cho quá trình tích lũy vật chất khô trong củ tỏi. Thời tiết hanh khô kéo dài giúp tỏi An Thịnh chắc hơn và có vỏ mỏng hơn.
Yếu tố về đất đai, thổ nhưỡng là yếu tố chính giúp tạo nên chất lượng đặc thù của tỏi An Thịnh. Đất ở khu vực địa lý là đất phù sa có tầng biến đổi, ít chua, thành phần cơ giới thịt pha cát nhẹ, khả năng giữ ẩm tốt. Giá trị đặc thù một số chỉ tiêu dinh dưỡng trong đất ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bao gồm: hàm lượng Đạm tổng số có giá trị trong khoảng từ 0,09% – 0,12% là điều kiện thuận lợi cho sự tích lũy allicin trong tép tỏi. Hàm lượng Lân dễ tiêu có giá trị trong khoảng từ 48,71 – 84,8 mg/100g, hàm lượng Kali dễ tiêu có giá trị trong khoảng 5,78 – 16,87 mg/100g, hàm lượng Đồng có giá trị trong khoảng 19,25 – 25,18 ppm, hàm lượng Bo có giá trị trong khoảng 6,41 – 13,85 ppm. Các chỉ tiêu này ở mức nghèo và trung bình, quyết định đến hàm lượng vitamin C rất cao trong sản phẩm tỏi An Thịnh. Hàm lượng Mangan có giá trị trong khoảng 34,15 – 52,68 ppm kết hợp cùng độ ẩm trong đất tại khu vực địa lý cao tạo nên yếu tố đặc thù về hàm lượng tro thô ở mức cao trong tỏi An Thịnh.
Ngoài ra các bí quyết canh tác truyền thống của người dân nơi đây như sử dụng giống bản địa, lựa chọn giống và bảo quản giống tốt, bón phân hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, canh tác bằng phương pháp thủ công và kinh nghiệm bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cũng đã góp phần tạo nên chất lượng đặc thù của sản phẩm tỏi An Thịnh./.
Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế
Latest news title
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025