Mon, 30/08/2021 | 18:15 PM
Đối thoại cấp cao giữa WTO và WHO: Mở rộng sản xuất vắc xin COVID-19 để thúc đẩy tiếp cận công bằng
Phát biểu khai mạc của Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO trong Đối thoại cấp cao giữa WTO - WHO.
Phát biểu khai mạc của Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO
Geneva, ngày 21 tháng 7 năm 2021
Kính thưa Tiến sĩ Tedros Tổng giám đốc của WHO,
Kính thưa Tổng giám đốc Ngozi của WTO,
Kính thưa quý vị,
Tôi hân hạnh được tham gia Đối thoại cấp cao giữa WTO - WHO với sự góp mặt của Tổng giám đốc Ngozi và Tổng giám đốc Tedros tại sự kiện quan trọng này.
Trước tiên, tôi muốn nhắc tới sự hỗ trợ của WIPO đối với sứ mệnh quan trọng mà các bạn đang thực hiện và cam kết sẽ hỗ trợ liên tục khi chúng ta tiếp tục đương đầu với đại dịch.
Trong năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển và triển khai vắc xin nhanh nhất trong lịch sử. Thành tựu đáng kể này là kết quả của sự khéo léo và chung tay của mọi người, là kết quả xây dựng qua nhiều thập kỷ đầu tư vào đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế được hỗ trợ bởi SHTT, và bởi sự xích lại gần nhau của thế giới trong đổi mới sáng tạo, y tế và thương mại.
Mặc dù ghi nhận những thành tựu này, chúng tôi cũng thấy rằng việc phân phối vắc xin vẫn không đồng đều. Như vây là không thể chấp nhận được. Công bằng vắc xin không chỉ là mệnh lệnh đạo đức và dịch tễ học mà còn là nền tảng để chúng ta phục hồi tốt hơn.
Do đó, tôi rất vui mừng khi cuộc đối thoại hôm nay đề cập đến một chiến lược quan trọng để đạt được sự công bằng về vắc xin khi nhu cầu sản xuất vắc xin trở nên cấp thiết trên toàn thế giới. Việc sản xuất vắc xin cần phải diễn ra ở tất cả các châu lục để thế giới có thể cùng nhau vượt qua đại dịch này, bảo vệ cuộc sống và khôi phục sinh kế cho các quốc gia, đồng thời một lần nữa cho phép thương mại, ý tưởng và con người được tự do luân chuyển trên toàn thế giới.
Và mặc dù nghĩ đến điều này có thể là quá sớm, nhưng việc mở rộng quy mô sản xuất vắc-xin trên toàn cầu cũng sẽ rất quan trọng để giải quyết các đại dịch trong tương lai, điều mà lịch sử cho chúng ta biết sẽ xảy ra lần nữa.
Tuy nhiên, các vấn đề phía trước chúng ta rất đa dạng và phức tạp. Do đó, sự hiện diện của một loạt các bên liên quan tại cuộc đối thoại hôm nay, bao gồm các đại diện cấp cao từ khắp các ngành, các Tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính và các đồng nghiệp từ GAVI, CEPI và MPP rất cần thiết. Điều này rất quan trọng vì chúng ta sẽ cần làm việc cùng nhau trong quan hệ đối tác với tất cả các bên để xác định và giải quyết những thách thức phía trước.
Trong khi hơn 200 thỏa thuận chuyển giao công nghệ đã được các nhà phát triển vắc xin ký trong năm qua, chúng tôi biết rằng còn nhiều việc phải làm để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và phân phối các phương pháp điều trị và công nghệ quan trọng.
Đây là lý do tại sao WIPO rất ủng hộ những nỗ lực đang được thực hiện bởi các cơ quan liên quan để hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất vắc xin, và đây cũng là lý do tại sao tôi rất vui mừng khi Tổng giám đốc Tedros, Tổng giám đốc Ngozi và bản thân tôi đã cùng nhau hợp tác vào tháng trước để tăng cường hoạt động ba bên của chúng ta nhằm hỗ trợ những nỗ lực này.
Kể từ cuộc họp đó, các nhóm của chúng tôi đã làm việc tích cực và đã đồng ý tổ chức một loạt các hội thảo nâng cao năng lực để tăng cường luồng thông tin về các diễn biến và ứng phó liên quan đến đại dịch hiện nay. Hội thảo đầu tiên, dự kiến vào ngày 27 tháng 9, sẽ tập trung vào chuyển giao công nghệ và li-xăng.
Chúng tôi cũng đã đồng ý triển khai một cổng thông tin chung nhằm hỗ trợ kỹ thuật ba bên dành cho các quốc gia trong việc đánh giá, ưu tiên và đáp ứng các nhu cầu về vắc xin COVID-19 và các công nghệ liên quan. Công việc vẫn diễn tiến cùng với sự hợp tác rộng rãi hơn của chúng tôi tại giao điểm của y tế công cộng, SHTT và thương mại.
Hợp tác ba bên này rất quan trọng vì nó sẽ cho phép chúng tôi tập hợp chuyên môn và nguồn lực của mình lại với nhau và cung cấp các giải pháp toàn diện cho những thách thức mà chúng tôi phải đối mặt.
Đồng thời, WIPO cũng đã công bố gói hỗ trợ liên quan đến COVID-19 cho các quốc gia thành viên vào tuần trước. Nó bao gồm năm lĩnh vực mà chúng tôi có chuyên môn, bao gồm hỗ trợ về Chính sách và Lập pháp cũng như hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao Công nghệ.
Điều thú vị trong nỗ lực này là cách mà mạng lưới Trung tâm Hỗ trợ Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (TISC) toàn cầu của chúng tôi đang giúp chống lại đại dịch. Từ việc tư vấn cho các chính phủ Mỹ Latinh về các bằng sáng chế liên quan đến Covid đến việc hỗ trợ phát triển các phương pháp điều trị mới ở châu Phi, khuyến khích quan hệ đối tác nghiên cứu ở châu Á. TISC thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo bằng cách xây dựng kiến thức và hỗ trợ các khả năng và cấu trúc chuyển giao công nghệ.
Điều thú vị là tỷ lệ hơn bốn trên mười TISC có chuyên môn về công nghệ trong khoa học đời sống và sức khỏe. Điều này cho phép các Trung tâm hỗ trợ thiết thực cho các quốc gia trên thế giới. Tại một quốc gia châu Phi, đầu mối của chúng tôi đã tập hợp mười trường đại học và viện nghiên cứu để đánh giá các sáng chế có thể giúp chống lại đại dịch. Nhờ đó, bằng sáng chế đã nhanh chóng được nộp cho một trong những ý tưởng hứa hẹn nhất: thiết bị rửa tay tự động. Từ đó, sáng chế này đã giành được giải thưởng vì vai trò của nó trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng trên toàn khu vực.
Thông tin và hiểu biết sâu sắc liên quan đến đại dịch cũng rất quan trọng để vượt qua nó và tôi hoan nghênh các nỗ lực của WTO về vấn đề này.
WIPO hiện đang trong quá trình chuẩn bị báo cáo toàn cảnh bằng sáng chế để tổng hợp phân tích, xác định các lĩnh vực có sự đổi mới sáng tạo đã được tập trung và lập biểu đồ môi trường cấp bằng sáng chế phức tạp phía sau nhiều vắc xin COVID-19.
Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới Daren Tang.
Kính gửi Quý đồng nghiệp, Quý vị và các bạn
Trong những ngày gần đây, chúng ta đã thấy bất chấp những tiến bộ đã đạt được trong cuộc chiến chống lại COVID-19, các ca bệnh vẫn đang gia tăng trở lại ở nhiều nơi trên thế giới.
Tại thời điểm quan trọng này chúng ta cần tăng gấp đôi nỗ lực của mình hướng tới việc xác định các biện pháp thực tế và cụ thể để cung cấp công bằng vắc xin, vượt qua đại dịch và hỗ trợ các quốc gia khi họ chuẩn bị phục hồi và tái thiết.
Một lần nữa tôi xin hoan nghênh WTO và WHO đã tổ chức Đối thoại Cấp cao ngay tại thời điểm này để tất cả các bên liên quan cùng nhau thảo luận về những chủ đề quan trọng. Một lần nữa tôi khẳng định rằng WIPO cam kết nỗ lực cao nhất để hiện thực hóa những mục tiêu chung này.
Xin cảm ơn Quý vị đã lắng nghe.
Nguồn: https://www.wipo.int/about-wipo/en/dg_tang/speeches/20210721_who_wto_dialogue.html
Nguyễn Hải Phong (dịch và biên soạn)
Latest news title
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Other news
- Hướng dẫn tra cứu nhãn hiệu bằng công cụ Asean TMView
- Mạng lưới TISC và IP-HUB: Thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học
- Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Tuần lễ Sở hữu trí tuệ Singapore 2021
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Núi Dành” cho sản phẩm Sâm Nam
- Dịch vụ hỗ trợ COVID-19 của WIPO