Sun, 17/05/2020 | 08:00 AM
Thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc từ hạt sầu đâu
Các sản phẩm diệt sâu bọ, nấm bệnh… từ hạt sầu đâu do GS-TS Trần Kim Qui và các cộng sự tại Viện Công nghệ hóa sinh ứng dụng sản xuất có giá chỉ bằng từ 15%-45% so với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Mỹ, Ấn Độ. Quan trọng hơn, loại thuốc thảo mộc này không lưu bã độc gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ở tuổi 84, GS-TS Trần Kim Qui (nguyên giảng viên chuyên ngành hóa học, vi sinh học tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM) vẫn miệt mài tìm cách đưa thuốc bảo vệ thực vật từ hạt sầu đâu vào sản xuất nông nghiệp. Bởi theo ông, loại thuốc trị sâu bọ, nấm bệnh này không chỉ không gây hại cho môi trường mà còn giúp người dân có thêm nguồn thu kinh tế từ việc trồng sầu đâu.
GS-TS Trần Kim Qui (nguyên giảng viên chuyên ngành hóa học, vi sinh học tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM)
“Giá của dầu sầu đâu sản xuất tại Việt Nam chỉ bằng 25,65% giá bán ở Mỹ, giá phân bã sầu đâu chỉ bằng 14,44% so với phân bã sầu đâu FOB Calcutta Ấn Độ, giá chế phẩm Limo AZA 3.000EC cũng chỉ bằng 47% so với nước Mỹ. Trong khi đó, so với với giá các loại thuốc bảo vệ thực vật tổng hợp đang được sử dụng hiện nay, các chế phẩm từ sầu đâu cũng thấp hơn 15-47%. Nếu lợi như vậy, sao bà con không sử dụng rộng rãi hơn?” - GS Trần Kim Qui chia sẻ.
GS Trần Kim Qui cho biết, có nguồn gốc từ Ấn Độ, cây sầu đâu trở nên nổi tiếng khắp thế giới do từ cành, lá tới hạt đều có chứa hoạt chất limonoid azadirachtin (AZL) không có độc tính nhưng lại diệt trừ và xua đuổi côn trùng hiệu quả. Vốn là nhà khoa học dành cả đời cho những nghiên cứu mà sản phẩm tạo ra phải bảo vệ môi trường, GS Qui đã sớm bắt tay vào nghiên cứu quy trình tách chiết hoạt chất AZL và tạo ra các sản phẩm có thể thương mại hóa ra thị trường từ năm 2004.
“Từ hạt cây sầu đâu, chúng tôi đã nghiên cứu và xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất 3 sản phẩm phục vụ cho ngành nông nghiệp hữu cơ an toàn và bền vững. Đó là chế phẩm Limo AZA 3.000EC dạng nhũ dầu đậm đặc EC có tác dụng diệt sâu rầy trên cây thập tự, cây dưa leo, bầu bí, rau cải, bắp đậu…; Dầu sầu đâu AZA 3.000EC có tác dụng trừ được một số nấm bệnh gây thiệt hại lớn cho các loại cây trồng; Phân neem AZA 250 SG có khả năng diệt được các loại kiến, mối, tuyến trùng trong đất.
Cây sầu đâu (neem) được trồng phổ biến tại vùng Ninh Thuận (Việt Nam).
Là một trong những hợp tác xã xuất khẩu thanh long lớn của tỉnh Tiền Giang, ông Võ Chí Thiện - Giám đốc HTX Thanh long Mỹ Tịnh An, Chợ Gạo cho biết, hợp tác xã đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ hạt sầu đầu từ năm 2018 đến nay cho hơn 50ha trồng thanh long.
“Thanh long Mỹ Tịnh An được xuất khẩu đi Mỹ, Úc, châu Âu, vì thế những quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trái bị kiểm soát nghiêm ngặt. Vào thời điểm sử dụng thí điểm, thanh long bị sâu rầy và nấm bệnh trên diện rộng. Chúng tôi vô cùng lo lắng vì nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tổng hợp, thanh long có thể không đạt điều kiện xuất khẩu” - anh Võ Chí Thiện nói.
Chia sẻ về quá trình hỗ trợ hợp tác xã Mỹ Tịnh An trong giai đoạn này, GS Trần Kim Qui cho biết, trong dự án này, nhóm sử dụng quy trình, nghiền nhỏ hạt sầu đâu rồi ép lạnh với máy ép thủy lực để lấy dầu. Sau đó, nhóm nghiên cứu dùng cồn ethanol 95o và 75o để chiết xuất và tinh chế các hoạt chất limonoid azadirachtin (AZL) còn lại trong bánh dầu; bã hạt sầu đâu được ủ hoai để làm phân bón hữu cơ sinh học.
Ngoài ra, để bảo vệ hoạt chất AZL không bị phân hủy do tia tử ngoại và nhiệt độ cao khi sử dụng ngoài môi trường thiên nhiên, nhóm nghiên cứu cũng điều chế các chất phụ gia như chất p-aminobenzoic acid (PABA). Chất sorbitan ester (SPAN) cũng được bổ sung giúp dầu hạt sầu đâu và các hoạt chất AZL phân tán đều trong nước, khi người nông dân pha thuốc vào nước để sử dụng.
“Điểm đặc biệt của sản phẩm này là không lưu bã độc làm ô nhiễm môi trường nên rất hữu dụng trong sản xuất rau củ quả an toàn. Sau dự án, Công ty nông nghiệp GAP và một số hợp tác xã khác đã đề nghị mua chiết phẩm limonoid azadirachtin để sử dụng” - GS Qui nói thêm.
Trong khi đó, ở hợp tác xã Mỹ Tịnh An, ông Võ Chí Thiện cho hay, hơn hai năm nay, người nông dân vẫn đang tin dùng chế phẩm sinh học này thay vì các sản phẩm hóa học bởi lợi cả ba đường, sức khỏe người nông dân, môi trường đất nước được bảo vệ và hoa quả đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Giá thành của các chế phẩm từ hạt sâu đầu rẻ hơn so với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Mỹ, Ấn Độ hoặc thuốc bảo vệ thực vật tổng hợp. Cụ thể, chế phẩm Limo AZA 3.000EC có giá 110.000 đồng/kg (so với giá bán tại Mỹ là 20.55 USD/quart (0.946 lít), dầu sầu đâu AZA 3.000EC có giá 8.000 đồng/kg (giá bán tại Ấn Độ là 3,6 USD/kg) và phân ủ từ bã sầu đâu AZA 250 SG có giá 80.000 đồng/kg (giá tại Ấn Độ là 75 USD/gallon (3,79 lít). Mỗi kilogram chế phẩm sử dụng được cho 0,5 ha cây trồng.
Máy ép nguội dầu sầu đâu (neem) trong quy trình sản xuất của GS - TS Trần Kim Qui và các cộng sự. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
“Hiện nay chúng tôi đang có một nhà máy sản xuất chế phẩm ở khu ươm tạo của thành phố Hồ Chí Minh rộng 300m2 với năng suất là 1 tấn hạt/ngày. Nguyên liệu được thu mua tại Ninh Thuận với giá 36.000 đồng/kg. Thực tế, hạt sầu đâu nhập từ Ấn Độ về có giá thành rẻ hơn rất nhiều, chỉ khoảng 15.000 - 16.000 đồng/kg nhưng chúng tôi không nhập do không kiểm soát được chất lượng” - GS Trần Kim Qui cho biết.
Thực tế, hoạt chất trong hạt sầu đâu có tác dụng mạnh nhất trong vòng 3-11 tháng sau khi thu hoạch. Những hạt để quá lâu, hoạt chất xuống rất thấp, vì thế GS Qui cho rằng đây là cái khó khi việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào phải rất sát sao nếu sản xuất trên quy mô lớn.
Quy trình chiết xuất chiết phẩm chứa Azadirachtin limonoid trong hạt sầu đâu để bào chế thuốc bảo vệ thực vật gốc thảo mộc của GS Trần Kim Qui và các cộng sự Trần Lê Quan, Trần Lê Quân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002281 được công bố vào ngày 25/02/2020.
Bích Ngọc
(Bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học và Phát triển)