Tue, 13/10/2020 | 16:29 PM

View with font size Read content Change contract

Máy cày phao nổi cho vùng đất ngập nước

Luôn trăn trở suy nghĩ làm thế nào để bà con có thể cải tạo đất mà không bị giảm năng suất khi nuôi trồng thủy sản, không gây ô nhiễm môi trường, lão nông Nguyễn Văn Rô ở xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, Cà Mau đã nghiên cứu, sáng chế ra máy cày siêu nhẹ chuyên dùng cho vùng đất vị ngập nước.

Trước khi có chiếc máy cày phao nổi chuyên dụng, ông Nguyễn Văn Rô khi ấy đang làm thợ cơ khí có tiếng trong xã thường nghe bà con phàn nàn chuyện: Máy cày của Nga, của Trung Quốc mua về chỉ cày được trên nền đất cứng, đưa vào vùng đầm nuôi thủy sản để cải tạo đất, phòng chống dịch cho tôm, cá thì ‘chết cứng”. 

Khi ấy, mỗi lần muốn cải tạo đất, người dân nuôi tôm công nghiệp hay quảng canh đều phải hút bùn thải ra sông, kênh rạch, phơi khô mặt đầm, cày nhỏ và phơi khô đất bùn phía dưới rồi mới lại bơm nước vào để nuôi tiếp vụ sau. Cách làm này vừa làm giảm năng suất nuôi trồng thủy sản, vừa tốn kém lại gây ô nhiễm cho sông, kênh rạch xung quanh. Không chỉ vậy, ngay cả với những vùng trồng trọt trên đất ngập nước, máy cày thường mỗi khi đưa vào lại gặp sự cố bị lún máy, gây hỏng hóc, vận hành không ổn định. 

Ông Nguyễn Văn Rô và chiếc máy cày phao nổi. Ảnh: NVCC

 “Tôi nghe ca hoài mà thấy sốt ruột nên đêm nào cũng nghĩ xem, có cách nào để chiếc máy cày có thể chạy được trong vùng đất ngập nước, bà con nuôi trồng thủy sản cho đỡ cực” – ông Nguyễn Văn Rô tâm sự. Dù mới học hết lớp 4, các kiến thức về chế tạo máy móc cũng chỉ vỏn vẹn ở xưởng cơ khí mà ông gắn bó từ thời trai trẻ, nhưng người nông dân ấy vẫn nhất quyết phải làm ra chiếc máy cho bà con. Vậy là ông đi khảo sát thực tế đồng đất tự nhiên, thấy cái máy nào lạ là mầy mò, ông đi hỏi cả các kỹ sư máy móc xem có cách nào thực hiện không? “Chiếc máy phải hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu và giá phù hợp với túi tiền bà con” – ông tặc lưỡi bảo.

Sau nhiều ngày trăn trở, khi nhìn thấy chiếc máy xới cỏ ở sân bóng nhân tạo có cấu tạo gần giống với chiếc máy cày truyền thống nhưng các bộ phận đều được làm rất gọn nhẹ, dễ sử dụng ông liền bật ra ý tưởng: Làm chiếc máy cày nhẹ hơn so với máy cày thông thường, có thể nổi trên mặt nước, dễ dàng di chuyển trong vùng kênh rạch miền Tây Nam Bộ.

Để máy nhẹ hơn, ông Rô dùng inox 304 thay thế các linh kiện bằng sắt, giúp chiếc máy giảm từ 150kg xuống còn 100kg. Ngoài ra, ông cũng lắp thêm lưỡi cày có thể điều chỉnh độ cao theo phương thẳng đứng để thay đổi độ sâu của đất cần được cày xới.

Điểm khác biệt trong sáng chế của ông Nguyễn Văn Rô là việc sử dụng dùng thùng hình trụ đưa vào phía trong khung hình trụ của các bánh lồng giúp máy cày có thể dễ dàng nổi lên trên mặt nước.

Ông giải thích: “Các thùng hình trụ có cửa nạp và xả chất lỏng. Trong khi di chuyển máy qua sông hoặc kênh rạch, quá trình thao tác trên vùng đất ngập nước, thùng sẽ được tháo toàn bộ chất lỏng để tạo độ nổi cho máy. Nhờ vậy, máy di chuyển dễ dàng trên mặt nước kênh, rạch mà không cần phải cho máy lên ghe, xuồng để vận chuyển đến nơi canh tác. Nếu hoạt động trên vùng đất cứng, nhiều cây cỏ, thùng được thêm chất lỏng để tạo sức nén xuống mặt đất. Nhờ vậy, dù máy có trọng lượng nhẹ hơn so với máy cày thông thường nhưng vẫn đạt hiệu quả tương đương, do đó tiết kiệm được chi phí vật liệu chế tạo cũng như nhiên liệu vận hành máy”. 

Trong suốt 1 năm nghiên cứu, cái khó nhằn nhất với người nông dân này là bộ phận lưỡi cày phải tháo ra, lắp vào, điều chỉnh rất nhiều lần mới được. Bởi những nơi đất mềm, phải đóng lưỡi cày sao cho phù hợp với động cơ chạy xăng 5,5 mã lực, đất sau cày phải tơi nhỏ, phơi 1-2 nắng là khô. Để giải quyết bài toán này, ông bảo phải thử đi thử lại hàng trăm lần việc tháo lắp lưỡi cày trên từng loại đất (đất mềm, đất cứng, đất ướt) để rút ra công thức cho từng loại. Bởi vậy, cứ ai đến đặt máy là ông hỏi rất kỹ về tình trạng đất để đóng cho chính xác. 

“Bà con mang máy về làm mà không hiệu quả, người ta truyền miệng chê mình thì không được, nên tôi giao máy rồi vẫn phải gọi điện hỏi thăm. Thỉnh thoảng bảo người ta chụp ảnh lại cho mình nhìn còn hướng dẫn tiếp” – ông Nguyễn Văn Rô kể lại.  

Mỗi chiếc máy hiện được bán ra với giá 17 triệu đồng với tỷ lệ lãi suất ước tính khoảng 27% - con số vừa đủ để nếu ai đó định bắt chước ông tự làm sẽ cho giá cao hơn nhiều. Mỗi vuông tôm (1000m2), chiếc máy tiêu tốn khoảng 10 nghìn đồng tiền xăng “Là nông dân nên mình hiểu bà con, phải tính toán hợp lý như vậy họ mới mua sản phẩm của mình.” – ông Rô tự hào nói và khoe thêm rằng, chiếc máy của mình đã có mặt ở khắp nơi từ Cà Mau, Tiền Giang, Kiên Giang đến Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh…

Để chiếc máy phát huy hiệu quả trong việc nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Văn Rô tiếp tục đưa ra ý tưởng tạo thức ăn dặm cho tôm sau khi đất được cày để đạt năng suất cao. Theo đó, ông hướng dẫn bà con ngâm lúa 2 đêm rồi vớt lên, ủ thêm 6 đêm và rải cho tôm ăn sau khi đất được cày. Việc này giúp tôm có thêm nguồn thức ăn mới lớn nhanh và khỏe mạnh, thay vì chỉ phụ thuộc vào thức ăn từ rong tảo hay gốc rạ, gốc cỏ…

Với những ưu điểm trên, chiếc máy cày dùng cho vùng đất ngập nước của nhà sáng chế nông dân Nguyễn Văn Rô đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002403 công bố ngày 25/09/2020. 

Hình ảnh ông Nguyễn Văn Rô sử dụng máy cày phao nổi trên vuông đất nuôi tôm. Ảnh: Soha

Bích Ngọc 

(Bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học và Phát triển)