Tue, 27/02/2018 | 17:22 PM

View with font size Read content Change contract

Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Bà Rịa - Vũng Tàu" cho sản phẩm hạt tiêu đen

Ngày 12 tháng 02 năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00064 cho sản phẩm hạt tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 12 tháng 02 năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 462/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00064 cho sản phẩm hạt tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu nổi tiếng. Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Lịch sử phát triển các vùng trồng hồ tiêu của Việt Nam ghi: “Ở Việt Nam, cây hồ tiêu mọc hoang được tìm thấy từ trước thế kỷ XVI, nhưng đến thế kỷ XVII mới được đưa vào trồng (Chevalier, 1925; Phan Hữu Trinh và ctv., 1987). Đến cuối thế kỷ XIX, hồ tiêu được trồng với diện tích tương đối khá ở Phú Quốc, Hòn Chồng và Hà Tiên (Kiên Giang), chủ yếu do người Hoa gốc ở đảo Hải Nam theo Mạc Cửu di cư vào Hà Tiên. Cũng trong khoảng thời gian này và đầu thế kỷ XX, cây hồ tiêu theo chân các chủ đồn điền người Pháp phát triển tới Bình Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Trị và Quảng Nam (Biard et Roule, 1942), … . Trong những thập niên 1940-1970 cây hồ tiêu phát triển rộng ra nhiều tỉnh miền Trung và Nam Bộ: Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai, với tổng diện tích khoảng 400ha và sản lượng chỉ dưới 600 tấn/năm (Tappan, 1972; trích dẫn bởi Phạm Văn Biên, 1989)”.

Thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đã phát hiện ra các khu vựcđất đỏ bazan ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàuphù hợp với đặc điểm sinh thái của cây hồ tiêu, nên đã di nhập cây hồ tiêu vào trồng ở vùng đất này. Tài liệu của người Pháp ghi lại vào năm 1883, các vùng trồng hồ tiêu Hà Tiên, Thủ Dầu Một và Bà Rịa đã xuất khẩu sang châu Âu 300 tấn hạt tiêu.

Hình ảnh chùm quả, quả và cành cây hồ tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu

Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong sáu tỉnh sản xuất hồ tiêu lớn nhất của cả nước.

Đặc điểm cảm quan của hạt tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu là quả khô nguyên hạt, hạt có màu nâu, màu xám, màu đen, mùi thơm và vị cay nồng. Hạt tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu có đặc điểm hạt to, đường kính hạt từ 3,2mm - 5,8mm. Vỏ hạt tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu mỏng, độ dày vỏ hạt từ 92,7µm - 157,7µm.

Hạt tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu

Hạt tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu có hàm lượng Mangan từ 109,4mg/kg - 299,9mg/kg; hàm lượng Bo từ 11,4mg/kg - 30,8mg/kg; hàm lượng Sắt từ 33,6mg/kg - 106,2mg/kg; hàm lượng Piperin từ 4,0% - 6,8%; hàm lượng tro tổng số từ 2,0% - 5,1%; dung trọng từ 521,7g/l - 679,0g/l; độ ẩm từ 7,7% - 12,5%.

Những tính chất, chất lượng đặc thù của hạt tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu có được là do điều kiện địa lý tự nhiên của khu vực địa lý và kinh nghiệm canh tác của người dân.

Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ, địa hình có độ dốc dưới 8o chiếm trên 81% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Do vị trí địa lý giáp biển nên khí hậu Bà Rịa - Vũng Tàu ôn hoà, mát mẻ, xen kẽ mưa nắng, trong những ngày mùa khô vẫn có những trận mưa trái mùa. Khu vực địa lý có nền nhiệt độ cùng độ ẩm không khí cao và ổn định (nhiệt độ trung bình năm 27oC, chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa trong năm từ 1,5oC - 3oC, biên độ chênh lệch nhiệt độ ngày đêm từ 8oC - 10oC, số giờ nắng trung bình năm là 2.400 giờ, độ ẩm không khí trung bình năm từ 72% - 90%), mùa khô không khắc nghiệt, chế độ mưa phù hợp với đặc điểm sinh thái của cây hồ tiêu. Độ ẩm không khí cao đã tạo điều kiệncho hạt phấn dễ dính vào númnhụyvà thời gian thụphấn kéo dài núm nhuỵ trương to, thuận lợi cho việc tạo quả với tỷ lệ đậu quả cao, phôi nhũ phát triển to hơn. Điều này góp phần giải thích đường kính hạt trung bình của sản phẩm hạt tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu to hơn sản phẩm cùng loại ở các vùng xuất xứ khác. Bà Rịa -Vũng Tàu nằm trong khu vực ít bão nên không gây nghiêng, đổ trụ tiêu, ảnh hưởng đến mùa vụ. Chế độ gió của vùng duyên hải ven biển với gió đất - gió biển thổi thường xuyên theo chu kỳ ngày - đêm cộng với nền nhiệt cao đã tác động làm mất nước liên tục, tạo cho sản phẩm hạt tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu có độ săn chắc, vỏ mỏng hơn các vùng khác.

Hạt tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu được canh tác trên đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính, đất nâu vàng trên đá macma bazơ và trung tính, đất nâu thẫm trên sản phẩm phong hóa của đá bọt và bazan, đất đen trên sản phẩm bồi tụ của bazan. Đất có độ phì tự nhiên và độ phì tiềm tàng cao, tầng canh tác dày trên 70cm chiếm 72,57% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Đất bazan ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có đặc tính khác với đất bazan trồng tiêu huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai, huyện Cư Kuin và huyện Cư M’Gar tỉnh Đắk Lắk, huyện Phước Long, Lộc Ninh, Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước, huyện Đắk Lấp tỉnh Đắk Nông bởi đất bazan của các huyện kể trên ở gần các miệng núi lửa, nham thạch giàu khoáng sét, tầng đất dày. Đất bazan của 4 huyện và thành phố Bà Rịa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có độ phì nhiêu tự nhiên và độ phì tiềm tàng cao. Tuy nhiên do tầng phong hoá ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mỏng hơn so với tầng phong hóa ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước, Đắk Nông nên năng suất hồ tiêu ở Bà Rịa - Vũng Tàu trồng thấp hơn các địa phương kể trên.

Đặc thù về kỹ thuật canh tác của vùng Bà Rịa - Vũng Tàu là các vườn tiêu sử dụng trụ sống, được che chắn tốt, nên ít bị tác động khi gió lớn.

Trong tự nhiên, cây hồ tiêu là loại cây dây leo, leo bám vào thân các cây gỗ khác, chịu bóng dưới tán, cây hồ tiêu đã phát triển thích nghi sinh thái theo hướngưa ánh sáng tán xạ. Giai đoạn cây tiêu còn non, người dân trồng tiêu ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã thiết kế vườn có chế độ che bóng, điều chỉnh chế độ ánh sáng cho vườn tiêu bằng cách cắt tỉa tán lá của cây trụ sống phù hợp với nhu cầu ánh sáng của vườn tiêu ở các tuổi tiêu khác nhau. Bóng rợp cho tiêu sẽ giảm dần từ 60% xuống 40% mức độ che phủ từ khi cây nhỏ đến khi cây lớn.

Một đặc điểm dễ nhận biết trong cách sử dụng bón phân của người dân trồng tiêu ở Bà Rịa -Vũng Tàu khác với một số tỉnh trồng tiêu khác là phần lớn các hộ đều dùng phân hữu cơ để bón cho cây hồ tiêu. Phân hữu cơ được các hộ sử dụng chủ yếu là từ nguồn phân bò, phân gà, phân heo, phân ủ từ xác cá, thực vật, … .

Khu vực địa lý bao gồm: Xã Kim Long, xã Bàu Chinh, xã Quảng Thành, xã Bình Trung, xã Bình Giã, xã Láng Lớn, xã Xuân Sơn, xã Đá Bạc, xã Bình Ba, xã Sơn Bình, xã Xà Bang, xã Suối Rao, xã Cù Bị, thị trấn Ngãi Giao thuộc huyện Châu Đức; xã Xuyên Mộc, xã Hòa Hiệp, xã Bàu Lâm, xã Hòa Bình, xã Hòa Hội, xã Hòa Hưng, xã Tân Lâm thuộc huyện Xuyên Mộc; xã Sông Xoài, xã Hắc Dịch thuộc huyện Tân Thành; xã Long Tân thuộc huyện Đất Đỏ; xã Long Phước thuộc thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế