Fri, 22/10/2021 | 10:36 AM
Hội thảo trực tuyến Khởi động Chương trình Cố vấn từ xa hỗ trợ thương mại hóa Công nghệ và Tài sản trí tuệ
Ngày 15/10/2021, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO (đơn vị chủ trì: Vụ Châu Á - Thái Bình Dương - ASPAC) phối hợp với Cơ quan Sáng chế Nhật bản (JPO) đã tổ chức “Hội thảo trực tuyến Khởi động Chương trình Cố vấn từ xa hỗ trợ thương mại hóa Công nghệ và Tài sản trí tuệ - Vòng 2021-2022”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo – EIE dành cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Malaysia, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam.
[EIE] Hội thảo trực tuyến Khởi động Chương trình Cố vấn từ xa hỗ trợ Công nghệ và SHTT - Vòng 2021-2022 trong khuôn khổ Dự án Môi trường Sở hữu trí tuệ kiến tạo.
Về phía WIPO có sự tham dự của ông David Simmons - tham tán ASPAC; ông Richard S. Cahoon - Chủ tịch tập đoàn BioProperty Strategy Group Inc./ Giáo sư tại Chương trình quốc tế thuộc Đại học Cornell/ chuyên gia tại Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); ông Junichi Nagumo - Chuyên gia quản lý Dự án - Bộ phận hỗ trợ hợp tác WIPO; bà Yumiko Hamano, đối tác tư vấn SHTT tại ET Cube International, Echenevex, Cộng hòa Pháp/ chuyên gia tại WIPO; ông Michael Martin - Tư vấn viên quốc tế, Chuyên gia tại Blacksburg, Virginia, Hoa Kỳ; Bà Sarah Macnaughton, Chuyên gia tư vấn chính tại Oxentia, Oxford, Vương quốc Anh; Ông Cengiz A Tarhan, Giám đốc Tarhan Associates Limited, Vương quốc Anh; Bà Cheryl McCaffery, Tư vấn viên Quốc tế tại Singapore; Ông Andy Sierakowski, chuyên gia tư vấn SHTT & Chủ tịch Ủy ban Quốc tế ITTN, Perth, Australia.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 119 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan SHTT quốc gia, các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc mạng lưới các Trục xoay và Nan hoa trong khuôn khổ Dự án EIE của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Malaysia, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam. Đoàn Việt Nam bao gồm các đại biểu đến từ Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Trục xoay của Dự án EIE và các đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học là các Nan hoa trong Dự án EIE.
Các đại biểu đã lắng nghe từng Chuyên gia tư vấn (Mentor) giới thiệu về bản thân và chia sẻ quan điểm cũng như kỳ vọng của họ trong suốt thời gian cố vấn. Đồng thời, hội thảo cũng đã có một phiên “Hỏi & Đáp” sôi nổi trong phần cuối của buổi tham luận.
Hoạt động Cố vấn từ xa và Hỗ trợ thương mại hóa công nghệ cho các Nan hoa (Spoke) (từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022).
- Để bổ sung cho những kiến thức được cung cấp trong các hội thảo về Trung tâm chuyển giao công nghệ (TTO) & Quản lý SHTT trong nước, TTO của các trường đại học và tổ chức nghiên cứu công (Spokes) tham gia mạng lưới tại Việt Nam sẽ được mời trình bày các công nghệ mới cho một nhóm chuyên gia làm việc với WIPO. Các cố vấn chuyên môn về quản lý và thương mại hóa TSTT sẽ hỗ trợ các Spoke có công nghệ được lựa chọn trong việc phát triển các công nghệ của chính họ.
- Các TTO được chọn sẽ làm việc với các chuyên gia cố vấn độc lập trong khoảng thời gian 6 tháng. Chuyên gia đóng vai trò là người cố vấn và hỗ trợ các TTO trong việc phát triển kỹ năng dựa trên chính TSTT của họ. Điều này hướng đến mục tiêu thương mại hóa các công nghệ đã chọn bằng cách đào tạo trong bối cảnh thực tế bằng cách sử dụng công nghệ của chính các tổ chức đó.
- Hình thức: trực tuyến.
- Thời gian: tháng 10 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022. Dự kiến 01 chuyên gia về sinh/hóa và 01 chuyên gia về công nghệ sẽ online với mỗi nhóm tác giả 10 buổi qua phần mềm Zoom cho từng công nghệ của tổ chức/mỗi trường.
Hoạt động Dự án - Cố vấn Từ xa & Hỗ trợ Thương mại hóa Công nghệ dành cho Mạng lưới IP-HUB Việt Nam:
Cục Sở hữu trí tuệ đã nhận được 8 công nghệ đăng ký tham gia Chương trình, bao gồm:
- Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: 03 đề xuất;
- Viện dầu khí Việt Nam: 02 đề xuất;
- Đại học Quốc gia Hà Nội: 02 đề xuất;
- Trường Đại học Duy Tân: 01 đề xuất.
Phía WIPO thông báo đã tiếp nhận các Hồ sơ đăng ký và sẽ cử chuyên gia tư vấn phù hợp.
Thông tin chi tiết về đơn vị đầu mối của Cục SHTT theo dõi Chương trình: Trung tâm thông tin sở hữu công nghiệp, Cục SHTT.
Dự án Môi trường Sở hữu trí tuệ kiến tạo (EIE- Enabling the Intellectual Property Environment) là một trong các Dự án do WIPO quản lý dưới sự thực hiện trực tiếp của Vụ Châu Á - Thái Bình Dương. Thời gian thực hiện Dự án kéo dài 6 năm (bắt đầu năm 2016 và kết thúc năm 2022). Mục tiêu chính của Dự án EIE là tập trung vào lĩnh vực thương mại hóa sở hữu trí tuệ thông qua các trụ cột như: chuyển giao công nghệ và hệ thống đổi mới sáng tạo; phát triển công nghệ; quản lý công nghệ; quản lý sở hữu trí tuệ; xây dựng năng lực; liên kết viện-trường-ngành và các chủ thể khác. Hiện tại có 8 quốc gia tham gia gồm: Malaysia, Thái Lan, Philipin, Ấn Độ, Iran, Mông Cổ, Sri Lanka, Việt Nam, và Inđônêxia. Mỗi một quốc gia tham gia sẽ có những lộ trình cụ thể khác nhau để thực hiện Dự án nhưng tất cả đều nhằm mục đích là đạt được mục tiêu chung của Dự án. Dự án nhằm tạo dựng một môi trường sở hữu trí tuệ thuận lợi cho các chủ thể tham gia, bao gồm: một hệ thống đổi mởi sáng tạo phù hợp; các viện/trường có cơ cấu tổ chức thích hợp; các quy trình hiệu quả với nhân lực có trình độ được bố trí hợp lý và mối quan hệ mật thiết giữa các ngành có liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Tất cả các yếu tố nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình sáng tạo tri thức, chuyển giao tri thức và chuyển đổi từ tri thức thành các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho xã hội. Dự án được phát triển dựa trên mô hình Trục xoay và Nan hoa (Hub and Spokes), khi một bánh xe quay thì các nan hoa được xoay quanh trục, đồng thời cả hệ thống trục và nan hoa cùng được tiến lên phía trước. Trục xoay (Hub) đóng vai trò là điểm trung tâm liên lạc và phối hợp trong các hoạt động và quy trình liên quan đến Dự án ở cấp quốc gia. Thông thường, như một số quốc gia đang tham gia Dự án, Trục xoay là Bộ chủ quản hoặc Cơ quan sở hữu trí tuệ của quốc gia đó. Trong một môi trường lý tưởng, Trục xoay sẽ trở thành trung tâm của nền tảng kiến thức của đất nước trong lĩnh vực phát triển công nghệ, quản lý và thương mại hóa liên quan đến sở hữu trí tuệ. |
Nguyễn Hải Phong
Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp
Latest news title
- Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Cục Sở hữu trí tuệ triển khai Chương trình đào tạo và tư vấn quản trị sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam
- Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng công cụ tra cứu nhãn hiệu Global Brand Database
- Giới thiệu cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin sáng chế Patentscope
- Mời tham dự tập huấn trực tuyến về sở hữu trí tuệ và khai thác thông tin sở hữu công nghiệp (tháng 10/2024)
- Giới thiệu một số cơ sở dữ liệu miễn phí để tra cứu thông tin kiểu dáng công nghiệp của Việt Nam và nước ngoài
Other news
- Hướng dẫn tra cứu kiểu dáng công nghiệp bằng công cụ WIPO PUBLISH
- Hướng dẫn tra cứu sáng chế/GPHI bằng công cụ WIPO PUBLISH
- Hướng dẫn tra cứu nhãn hiệu bằng công cụ WIPO PUBLISH
- Những bước đi đầu tiên trên chặng đường tự động hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ
- Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Trao quyền cho đúng chủ thể và thúc đẩy thương mại hóa