Mon, 25/07/2022 | 16:11 PM

View with font size Read content Change contract

Quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương

Ngoài cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) về quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) ở Trung ương là Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Việt Nam còn có hệ thống các cơ quan QLNN về SHCN ở địa phương, đó là các Sở Khoa học và Công nghệ với chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước ở địa phương trong lĩnh vực này. Ngoài ra, tại các địa phương còn có hệ thống các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về SHCN như: thanh tra, quản lý thị trường, công an, hải quan. Thực tiễn đã cho thấy việc phân cấp QLNN về SHCN cho các cơ quan ở địa phương là cần thiết và phù hợp, góp phần thúc đẩy hoạt động SHCN, từ đó gia tăng đóng góp của SHTT vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

 

Về cơ cấu tổ chức

Trước thời điểm Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 15/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện có hiệu lực, bộ máy QLNN về SHCN tại một số địa phương nơi có nhu cầu xác lập quyền cao và tình trạng xâm phạm quyền SHCN phức tạp (như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, An Giang), đã kiện toàn tổ chức theo hướng thành lập phòng chuyên trách về SHCN với tên gọi là Phòng Sở hữu trí tuệ; ở các địa phương khác,chức năng QLNN về SHCN chủ yếu ghép chung với các lĩnh vực khác như công nghệ, an toàn bức xạ... với các tên gọi khác nhau. Sau năm 2014, chỉ còn 02 Sở KH&CN có bộ phận chuyên trách về SHCN tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; với hầu hết các địa phương còn lại,chức năng QLNN về SHCN được thực hiện bởi Phòng Quản lý chuyên ngành. Mặc dù có những hạn chế nhất định khi không có bộ phận chuyên trách nhưng hoạt động QLNN về SHCN ở các địa phương vẫn được thực hiện thường xuyên và đạt được những thành quả nhất định, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Một số mặt công tác đạt được hiệu quả tốt của các Sở KH&CN là tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về SHTT, tư vấn, hướng dẫn đăng ký xác lập và bảo vệ quyền SHCN, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ,…

Tư vấn, hỗ trợ đăng ký xác lập quyền SHCN

Các Sở KH&CN luôn là một địa chỉ tin cậy để người nộp đơn, doanh nghiệp tìm đến để được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ về các thủ tục xác lập quyền SHCN. Điều này thể hiện rõ ở số lượt cá nhân, tổ chức được các Sở KH&CN tư vấn, hướng dẫn về SHCN tăng mạnh qua các năm và đạt mốc gần 5.000 lượt/năm. Hoạt động này đã góp phần đáng kể vào việc gia tăng số lượng tài sản trí tuệ được xác lập quyền cho các doanh nghiệp, người dân ở địa phương: tính đến hết năm 2021 đã có 3.513 Bằng độc quyền sáng chế/ giải pháp hữu ích, 22.828 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và 289.580 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được cấp cho người nộp đơn Việt Nam. Một số địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác này như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, An Giang, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Sơn La…

Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ

Một hoạt động rất quan trọng nữa luôn được các Sở KH&CN quan tâm, đẩy mạnh và đã có những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội đó là việc hỗ trợ phát triển các tài sản trí tuệ. Hoạt động này chủ yếu được thực hiện trong khuôn khổ của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của cả Trung ương và địa phương (được triển khai lần đầu tiên năm 2006, đến nay đã bước sang giai đoạn thứ tư). Hằng năm,đã có hàng trăm dự án được các địa phương triển khai thực hiện với hàng chục sáng chế/giải pháp hữu ích được hỗ trợ bảo hộ, khai thác, hàng ngàn sản phẩm đặc thù địa phương được hỗ trợ bảo hộ, quản lý quyền SHCN, hàng chục tổ chức tập thể được thành lập để quản lý tài sản trí tuệ cộng đồng, hàng chục ngàn lượt người được tập huấn, đào tạo về SHTT, hàng ngàn lượt doanh nghiệp được hỗ trợ về SHTT. Đặc biệt, trong những năm gần đây, việc hỗ trợ phát triển các tài sản trí tuệ tại các địa phương thường gắn liền với các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương và sản phẩm OCOP (sản phẩm đạt chứng nhận Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”). Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ SHTT đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, uy tín và giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể như: giá bán của mật ong bạc hà Hà Giang đã tăng từ 40-50%; nước mắm Phú Quốc tăng từ 30-50%, bưởi Phúc Trạch tăng từ 30-35%, cam Vinh đã tăng lên hơn 50% sau khi sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, năm 2021, vải thiều Bắc Giang và thanh long Bình Thuận là những sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, sự kiện quan trọng này đã đánh dấu bước tiến lớn, thiết lập một thành tựu mới trong hoạt động bảo hộ SHTT cho các sản phẩm chủ lực quốc gia, đồng thời mở ra cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng.

Bảo vệ quyền SHCN

Công tác bảo vệ quyền SHCN cũng luôn được các cơ quan thực thi quyền tại địa phương đẩy mạnh nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHCN. Hằng năm, đã có hàng ngàn vụ xâm phạm quyền SHCN được xử lý với tổng số tiền phạt lên tới hàng chục tỉ đồng và hàng trăm nghìn sản phẩm bị xử lý. Phần lớn các vụ việc là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và liên quan đến các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu như thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, túi xách…

 

Số liệu xử lý xâm phạm quyền SHCN giai đoạn 2011-2021[1]

Đơn vị tiền phạt: 1.000 VNĐ

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo hoạt động QLNN về SHCN của các địa phương

 

Trong tình hình hiện nay, khi các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia đang có xu hướng đặt ra các yêu cầu ngày càng cao và khắt khe hơn về thực thi quyền SHTT thì vấn đề cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi quyền SHTT ngày càng trở thành nhiệm vụ có tính cấp bách. Để làm được điều này đòi hỏi các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về SHCN đối với cán bộ các cơ quan thực thi quyền SHCN, thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan thực thi quyền SHCN với nhau và với các cơ quan QLNN về SHCN ở cả trung ương và địa phương.

 

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục SHTT trình bày tại buổi tập huấn về sở hữu trí tuệ dành cho các cơ quan quản lý, trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ngày 15/4/2022.

 

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn như nhân sự mỏng, thường xuyên có sự thay đổi, luân chuyển công tác, nhận thức về SHTT của người dân, doanh nghiệp tại nhiều địa phương còn hạn chế, tuy nhiên thông qua các hoạt động nêu trên, có thể thấy, hoạt động QLNN về SHCN ở các địa phương đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, kết quả hoạt động QLNN về SHCN trên cả nước nói chung vẫn chưa đồng đều, tại nhiều địa phương hoạt động này chưa phát huy tác dụng tương xứng với vị trí, vai trò của cơ quan lãnh đạo, điều hành hoạt động SHTT. Do đó, trong thời gian tới, các địa phương cần chú trọng đẩy mạnh hơn nữa, hoạt động QLNN về SHCN địa bàn theo hướng kiến tạo, hiệu quả, trên cơ sở bám sát định hướng, nhiệm vụ giải pháp trong Chiến lược SHTT đến năm 2030, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, nhằm đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

 

Phòng Pháp chế và Chính sách

 


[1] GPHI: Giải pháp hữu ích; KDCN: kiểu dáng công nghiệp; CDĐL: chỉ dẫn địa lý.