Mon, 12/07/2021 | 16:00 PM
Việt Nam gia nhập Hiệp ước Budapest về nộp lưu chủng vi sinh
Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế (Hiệp ước Budapest) chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 01/6/2021, có ý nghĩa quan trọng đối với việc khuyến khích đầu tư và nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học tại Việt Nam.
Việc gia nhập Hiệp ước Budapest mang ý nghĩa quan trọng đối với việc khuyến khích đầu tư và nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học tại Việt Nam. Khi trở thành thành viên của Hiệp ước Budapest, Việt Nam có thể được hưởng các quyền sau:
- Được tham gia Hội đồng các nước thành viên Hiệp ước Budapest và được đóng góp ý kiến khi xem xét lại các quy định của Hiệp ước, sửa đổi, bổ sung Quy chế thi hành thông qua phiếu biểu quyết;
- Có cơ hội thành lập cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế đặt tại lãnh thổ của nước mình và được các quốc gia thành viên Hiệp ước Budapest công nhận, qua đó giúp phát triển và hoàn thiện hệ thống bảo hộ sở hữu công nghiệp của mình, đặc biệt là bảo hộ các sáng chế liên quan đến công nghệ sinh học;
- Cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia của Việt Nam (Cục Sở hữu trí tuệ) có thể yêu cầu cung cấp mẫu và các thông tin cần thiết của bất kì chủng vi sinh nộp lưu từ bất kì cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế nào bằng ngôn ngữ giao dịch chính thức của mình, không mất phí, nhằm tiến hành các thủ tục liên quan đến sáng chế một cách hiệu quả, đặc biệt là trong công tác thẩm định nội dung đơn sáng chế.
- Người nộp đơn đăng ký sáng chế, trong đó có người Việt Nam khi nộp lưu mẫu chủng vi sinh chỉ cần nộp lưu tại một cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế duy nhất tại bất kì nước nào, và chỉ nộp khoản phí nộp lưu một lần, người nộp lưu được ghi nhận ngày nộp lưu, được công nhận việc nộp lưu chủng vi sinh và được chứng nhận về khả năng tồn tại và phát triển của chủng vi sinh nộp lưu đó. Thông tin về việc nộp lưu chủng vi sinh sẽ được bảo mật bởi cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế.
Trong bối cảnh công nghệ sinh học hiện đang được xem là một trong những trụ cột chính của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đóng vai trò quan trọng trong xu thế phát triển nền kinh tế xanh của thế giới, việc nộp các đơn sáng chế về công nghệ sinh học cần được khuyến khích mạnh mẽ. Tuy nhiên, người nộp đơn sáng chế về công nghệ sinh học đang gặp khó khăn ở thủ tục nộp lưu mẫu vật liệu sinh học được sử dụng để tạo ra sáng chế đó. Cụ thể là, theo pháp luật của nhiều nước trong đó có Việt Nam, để được coi là đã bộc lộ đầy đủ một sáng chế về công nghệ sinh học, ngoài bản mô tả thể hiện bằng văn bản, người nộp đơn phải nộp lưu mẫu vật liệu tại cơ quan có thẩm quyền lưu giữ vật liệu sinh học.
Hiệp ước Budapest giúp đơn giản hóa thủ tục nộp lưu chủng vi sinh cho người nộp lưu đã giải quyết vấn đề nói trên. Theo đó, người nộp lưu chỉ cần nộp mẫu chủng vi sinh một lần tại bất kỳ cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế đặt tại lãnh thổ của các quốc gia thành viên Hiệp ước, và kết quả việc nộp lưu này phải được công nhận bởi tất cả các quốc gia thành viên.
Tính đến tháng 6/2021, có 85 quốc gia trong tổng số 193 quốc gia thành viên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đang là thành viên của Hiệp ước Budapest và 48 cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế được đặt tại 26 quốc gia trên toàn thế giới.
Ảnh minh họa thành viên Hiệp ước Budapest và các cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế (IDA) trên thế giới (nguồn ảnh: WIPO)
Trên cơ sở nhận thấy sự cần thiết và lợi ích của việc gia nhập Hiệp ước Budapest mang lại, đồng thời để thực hiện cam kết tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sĩ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ 1999, ngày 29/01/2021, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 10/NQ-CP về việc gia nhập Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế. Ngày 01/3/2021, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước Budapest và từ ngày 01/6/2021, Hiệp ước Budapest bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam./.
Phòng Pháp chế và Chính sách
Latest news title
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Dự án IP Key Sea tổ chức Hội thảo quốc tế về Phòng chống hàng giả khu vực ASEAN
- Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 3 Vành đai và Con đường về Sở hữu trí tuệ và các sự kiện liên quan
- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tham dự Đại hội đồng WIPO 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ đăng cai tổ chức Cuộc họp lần thứ 72 AWGIPC và các sự kiện bên lề diễn ra từ ngày 22-26/4/2024 tại Đà Nẵng và Huế
Other news
- Thông cáo chung của WHO, WTO và WIPO: các Tổng giám đốc của WHO, WIPO và WTO nhất trí về hợp tác tăng cường hỗ trợ tiếp cận công nghệ y tế trên toàn thế giới để đối phó với đại dịch Covid-19
- Dự án “WIPO vì các nhà sáng tạo” (WIPO for Creators) chào đón các đối tác đầu tiên: CISAC, DDEX, IAF, ICMP, IFPI, IMPF, IPA và SCAPR
- Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ tiếp Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam
- Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị của WIPO dành cho Lãnh đạo các Cơ quan Sở hữu trí tuệ
- Miễn trừ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin trong cuộc chiến chống Covid-19