Fri, 09/06/2023 | 11:30 AM

View with font size Read content Change contract

Đoàn công tác của Cục Sở hữu trí tuệ thăm và làm việc tại Pháp

Được sự cho phép của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, từ ngày 30/5 đến ngày 02/6/2023, đoàn công tác của Cục Sở hữu trí tuệ, do Cục trưởng Đinh Hữu Phí làm Trưởng đoàn, đã có chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Pháp. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Cục Sở hữu trí tuệ đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương với Viện Sở hữu công nghiệp Pháp (INPI) trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đồng thời thăm và làm việc tại một số cơ quan của Pháp nhằm tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động đào tạo, nghiên cứu về sở hữu trí tuệ, bảo hộ, quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, ngày 02/6/2023, tại trụ sở của INPI tại thành phố Courbevoie, Cục trưởng Đinh Hữu Phí và ông Pascal Faure, Giám đốc điều hành của INPI đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ giữa hai Cơ quan.

Bản ghi nhớ có thời hạn 05 năm với các lĩnh vực hợp tác chính bao gồm: Trao đổi thông tin sở hữu công nghiệp; Bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý; Định giá sáng chế và xây dựng bản đồ sáng chế; Chuyển giao công nghệ; Thương mại hóa tài sản trí tuệ; Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Đào tạo cán bộ và các chủ thể liên quan; Trao đổi thông tin thực thi quyền sở hữu trí tuệ; Vận hành và quản trị cơ quan sở hữu trí tuệ; Kiểm soát chất lượng thẩm định; các lĩnh vực khác mà các bên quan tâm.

Tại buổi ký kết, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận để xây dựng kế hoạch hành động năm 2024 trên cơ sở Bản ghi nhớ. Nhân dịp này, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cũng gửi lời mời ông Pascal Faure và các đồng nghiệp tại INPI sang thăm Cục Sở hữu trí tuệ trong thời gian sớm nhất.

 

Cục trưởng Đinh Hữu Phí và ông Pascal Faure, Giám đốc điều hành của INPI ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ giữa hai Cơ quan

 

Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn đã đến thăm và làm việc với Trung tâm Đào tạo quốc tế về sở hữu trí tuệ (CEIPI), thuộc Đại học Strasbourg, Pháp. Tại buổi làm việc, Phó giáo sư Jean-Marc Deltorn, phụ trách các vấn đề về sở hữu trí tuệ của CEIPI đã chia sẻ tổng quan về các chương trình đào tạo và nghiên cứu do CEIPI xây dựng và triển khai. Về cơ bản, CEIPI có 03 nhóm chương trình đào tạo chính, bao gồm: các chương trình đào tạo lấy chứng chỉ, bao gồm đào tạo thạc sỹ (1 năm) và đào tạo chứng chỉ ngắn hạn; các chương trình đào tạo thẩm định theo tiêu chuẩn Pháp và châu Âu; và các chương trình đào tạo ngắn hạn khác cho các cán bộ, chuyên gia về sở hữu trí tuệ. Về chức năng nghiên cứu, CEIPI có chức năng quản lý, giám sát các luận án tiến sĩ về sở hữu trí tuệ, tham gia các dự án của Liên minh châu Âu và dự án quốc tế về luật sở hữu trí tuệ, tổ chức các sự kiện khoa học, các hội nghị pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Cục trưởng Đinh Hữu Phí đánh giá cao vai trò của CEIPI cũng như mô hình triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu của CEIPI, đồng thời cảm ơn CEIPI đã tạo điều kiện để các cán bộ của Cục Sở hữu trí tuệ được tham gia các khóa đào tạo của CEIPI trong quá khứ. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận để xây dựng các kế hoạch đào tạo dành cho cán bộ của Cục trong tương lai trên cơ sở nhu cầu và khả năng của mỗi bên.

 

Đoàn công tác của Cục Sở hữu trí tuệ thăm và làm việc tại Trung tâm Đào tạo quốc tế về sở hữu trí tuệ (CEIPI), Đại học Strasbourg, Pháp

 

Đoàn công tác cũng đã có buổi làm việc với Văn phòng đại diện của Viện Sở hữu công nghiệp quốc gia (INPI) tại vùng Alsace. Ông Philippine Borne, Trưởng Văn phòng đại diện, đã giới thiệu sơ lược về cơ cấu tổ chức của INPI cũng như hoạt động của Văn phòng đại diện của INPI tại Alsace. Hiện nay, INPI có tất cả 13 văn phòng đại diện trên toàn bộ lãnh thổ Pháp.

Hiện nay, một trong những định hướng phát triển của INPI là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sử dụng sở hữu trí tuệ nhằm khai thác hiệu quả kết quả đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, từ đó nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm. Theo định hướng như vậy, giống với các Văn phòng đại diện khác của INPI, Văn phòng vùng Alsace cũng tập trung triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: tổ chức các hoạt động nhằm lan toả văn hoá sở hữu trí tuệ tới tất cả các đối tượng của hoạt động đổi mới sáng tạo; thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nhà xây dựng chính sách; triển khai sáng kiến về hỗ trợ xây dựng, đăng ký và khai thác quyền sở hữu trí tuệ dành cho doanh nghiệp.

 

Đoàn công tác của Cục Sở hữu trí tuệ thăm và làm việc tại Văn phòng đại diện của INPI tại vùng Alsace, Pháp

 

Bên cạnh đó, đoàn đã có buổi làm việc với Cơ quan quốc gia về kiểm soát nguồn gốc và chất lượng của Pháp (INAO) và có chuyến khảo sát thực tế một số cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của vùng Alsace, khu vực Đông Bắc nước Pháp.

Tại buổi làm việc với INAO, Bà Sarah Mezerette, Phó trưởng phòng Pháp lý và Hợp tác quốc tế của INAO đã chia sẻ tổng quan về cơ chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Pháp. Theo đó, INAO ban hành các biểu tượng chứng nhận để gắn lên từng loại sản phẩm với các tiêu chí, điều kiện cụ thể.

Có 05 biểu tượng khác nhau do INAO quản lý, bao gồm: Tên gọi xuất xứ được bảo hộ (PDO) đối với các sản phẩm mà các công đoạn sản xuất, chế biến chính được thực hiện trong một khu vực địa lý cụ thể; Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ (PGI) đối với các sản phẩm mà chất lượng, danh tiếng hay các đặc trưng gắn với một khu vực địa lý; Đặc sản truyền thống được bảo đảm (TSG) làm nổi bật khía cạnh truyền thống, chẳng hạn như cách thức sản xuất sản phẩm hay thành phần của sản phẩm, mà không gắn với một khu vực địa lý cụ thể; Nông nghiệp hữu cơ (AB) đối với phương pháp sản xuất kết hợp biện pháp bảo vệ môi trường, tôn trọng đa dạng sinh học, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và phúc lợi động vật ở mức cao; Tem đỏ (Red Label) đối với các sản phẩm có điều kiện sản xuất có chất lượng cao hơn các sản phẩm tương tự trên thị trường.

Riêng với các sản phẩm thủ công nghiệp, Pháp chỉ mới chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm này kể từ năm 2014 và do INPI phụ trách. Tính đến nay, có 14 sản phẩm sản phẩm thu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Cục trưởng Đinh Hữu Phí đánh giá cao hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Pháp, vốn được đánh giá là chặt chẽ và hiệu quả hàng đầu thế giới và mong muốn thời gian tới INAO và INPI sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với Cục trong quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý./.

 

Đoàn công tác của Cục Sở hữu trí tuệ làm việc tại trụ sở của Cơ quan quốc gia về kiểm soát nguồn gốc và chất lượng của Pháp (INAO) tại thành phố Montreuil, Pháp

 

Phòng Hợp tác quốc tế